Các tòa nhà công nghiệp tại nhà máy lắp ráp Volkswagen, trung tâm khu vực Tân Cương, tây bắc Trung Quốc, từng là biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Đức. Giờ đây, chúng lại trở thành chỉ dấu cho sự sa lầy trong kinh doanh - cái kết buồn cho một tập đoàn 87 năm tuổi.
Trong bốn thập kỷ, Volkswagen là công ty dẫn đầu thị trường tại Trung Quốc, từ Volkswagen Santana tiết kiệm đến Audi hay Porsche mạnh mẽ. Thực tế này đã thay đổi, kể từ sau sự xuất hiện của BYD - thương hiệu khiến đối thủ đến từ nước Đức bất ngờ vào đầu năm nay khi tăng cường bán xe hybrid. VW lại có rất ít sản phẩm xe lai - một lỗ hổng lớn mà hãng sẽ không thể lấp đầy hoàn toàn cho đến cuối năm sau.
“Người tiêu dùng Trung Quốc coi VW là ông vua của ngày xưa, thời đại mà các thương hiệu toàn cầu thống trị tối cao”, Michael Dunne, một cố vấn ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc cho biết. “Ngày nay, người tiêu dùng Trung Quốc thờ ơ với các sản phẩm của VW. Họ thích những sản phẩm mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn từ các thương hiệu trong nước”.
Ngân hàng nhà nước và chính quyền địa phương của Trung Quốc bơm tiền vào các nhà sản xuất ô tô địa phương, cho phép một số nhà sản xuất bán hàng với giá thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất. Các giám đốc điều hành của Volkswagen từ chối tham gia cuộc chiến giảm giá và vậy nên, thị phần chắc chắn sẽ giảm.
“Ô tô điện đang bị ép đưa ra thị trường với mức chiết khấu lên tới 50%”, một phát ngôn viên của Volkswagen cho biết. “Do đó, năm ngoái chúng tôi đã quyết định không tiếp tục tăng trưởng bằng mọi giá nữa”.
Rắc rối của Volkswagen tại Trung Quốc đang ảnh hưởng đến toàn bộ công ty. Doanh số bán xe tại đại lục giảm 10,2% trong 9 tháng đầu năm nay, trong khi doanh số bán hàng trên toàn thế giới giảm nhẹ.
Mới đây nhất, Volkswagen còn tuyên bố có thể phải đóng cửa tới 3 nhà máy ở Đức và sa thải hàng chục nghìn công nhân khi tìm cách giành lại lợi thế tại châu Âu trong bối cảnh doanh số bán hàng sụt giảm. Động thái, nếu xảy ra, sẽ trở thành sự kiện chấn động hiếm hoi suốt 87 năm lịch sử của hãng, đồng thời là đòn giáng mạnh hơn nữa vào nền kinh tế vốn đã đình trệ.
Các chuyên gia cho rằng những sai lầm về chính trị đã làm trầm trọng thêm những rắc rối của VW.
Vào tháng 5, VW bắt đầu xuất khẩu ô tô chạy bằng pin điện từ Trung Quốc sang châu Âu. Vấn đề nằm ở chỗ Liên minh châu Âu đã bắt đầu áp dụng thuế quan đối với những loại xe như vậy được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu, vốn đã bắt đầu một cuộc điều tra cách đây 1 một năm về việc liệu chính phủ Trung Quốc có trợ cấp không đúng cách cho ô tô điện. Bắc Kinh phản ứng bằng cách gây sức ép buộc các nhà sản xuất không hợp tác với cuộc điều tra của châu Âu. Không giống như một số nhà sản xuất nước ngoài khác, VW từ chối chia sẻ thông tin với Ủy ban châu Âu.
VW bắt đầu vận chuyển xe điện chạy bằng pin Cupra Tavascan đến châu Âu vào tháng 5 từ một khu phức hợp miền trung Trung Quốc. Ủy ban châu Âu ngay sau đó quyết định áp dụng thuế quan. Các công ty như VW được thông báo sẽ phải đối mặt với mức thuế quan cao nhất bắt đầu từ tuần này: 37%
VW xoay xở để giảm thuế quan xuống còn 21%. Để so sánh, Tesla, một trong những đối thủ lớn nhất của VW và đã hợp tác trước đó, đã thuyết phục được ủy ban cắt giảm thuế quan xuống chỉ còn 7,8%. BYD là 17%.
Ngoài ra, khó khăn mới nhất đối với VW xảy ra vào ngày 23 tháng 10, khi Bộ Ngoại giao cho biết giám đốc tiếp thị của thương hiệu Volkswagen tại Trung Quốc dương tính với cocaine, ở tù 10 ngày và sau đó bị trục xuất.
Sản xuất ô tô cũng phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là sang Trung Quốc, nơi các nhà sản xuất Đức đã bán được khoảng 4,3 triệu ô tô vào năm 2021, theo Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng xe điện sản xuất trong nước, từ đó khiến nhu cầu đối với xe Đức sụt giảm.
Kể từ khi đại dịch xảy ra, nhu cầu về ô tô ở châu Âu giảm khoảng 500.000 chiếc, như các nhà lãnh đạo Volkswagen đã nhiều lần chỉ ra. Con số đó tương đương với sản lượng của 2 trong số 10 nhà máy của Volkswagen tại Đức, theo Arno Antlitz, giám đốc tài chính của Volkswagen.
“Tôi và các đồng nghiệp của tôi đang lo lắng về công việc của mình”, Britta John, một nhân viên của Volkswagen nói. “Tình hình thực sự nản lòng”.
Daniela Cavallo, đứng đầu hội đồng đại diện cho nhân viên công ty tại Đức, cho biết việc đóng cửa nhà máy là dựa theo đề xuất đã trình lên hội đồng công nhân trước đó. Công ty “muốn đóng cửa ít nhất 3 nhà máy VW, thu hẹp quy mô tất cả các nhà máy còn lại, thoái vốn khỏi các lĩnh vực cốt lõi và trên hết là cắt giảm lương đáng kể đối với những nhân viên còn lại”.
Theo bà Cavallo, người đứng đầu hội đồng đại diện cho nhân viên công ty tại Đức,Volkswagen còn đang cân nhắc cắt giảm lực lượng lao động tại các nhà máy vốn vẫn đang hoạt động tại Đức: “Về mặt cụ thể, điều này có nghĩa là phải cắt giảm nhiều sản phẩm, khối lượng, ca làm việc và toàn bộ dây chuyền lắp ráp”.
Theo: The NY Times, Financial Times