Đến nay, Chương trình GDPT 2018 được triển khai đồng bộ trên khắp cả nước, ở tất cả cấp học và đã đi được gần hết chặng đường. Mặc dù vậy, khi được hỏi về việc dạy học tích hợp, các thầy cô ở bậc THCS vẫn tự nhận thấy thiếu tự tin, loay hoay và rất cần được bổ trợ thêm kiến thức.
Giáo viên phải tự tìm giải pháp
Là một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trên bục giảng nhưng cô Hải Yến – Giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng phải học thêm rất nhiều mới có thể đứng lớp dạy môn tích hợp. Bởi theo cô, Trên thực tế, đối với những giáo viên có chuyên môn việc liên kết các kiến thức ở các môn khác nhau vào trong bài giảng đã được diễn ra hằng ngày. Nhưng khi chương trình mới triển khai điều này thể hiện rõ ràng hơn và là bắt buộc.
"Việc này yêu cầu giáo viên phải tìm ra các phương pháp dạy học làm sao vừa thể hiện rõ sự liên môn, tăng hứng thú và rèn luyện kỹ năng cho học sinh”, cô Hải Yến cho biết.
Nữ giáo viên cũng nhận thấy thông qua các tài liệu hướng dẫn, sách giáo khoa giáo viên giúp tiếp cận chương trình mới dễ dàng hơn. Học sinh chủ động tiếp thu kiến thức cũng khiến cho giáo viên có động lực cố gắng, đặc biệt khi liên môn thuận lợi cho các em được truyền tải kiến thức liên tục.
“Mặc dù vậy vẫn không thể phủ nhận việc chúng tôi vẫn đang rất loay hoay với đổi mới, phải vừa học vừa dạy, vừa viết giáo án vừa chỉnh sửa. Đối với những giáo viên có tuổi gắn bó với chương trình cũ quá lâu sẽ càng khó khăn vì hiện nay yêu cầu rất nhiều kỹ năng, tất cả điều đó khiến cho nghề giáo vất vả hơn”, cô Hải Yến bày tỏ.
Ngoài ra, cô giáo cũng cho rằng việc có sự phân hoá lớn về khả năng tiếp thu của học sinh đối với các môn tích hợp cũng đặt ra bài toán cho giáo viên khi nghiên cứu bài giảng.
Tự tìm cho mình những giải pháp cô Hải Yến chia sẻ: “Thực tế chúng tôi phải học nhiều hơn thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ mới có thể đáp ứng yêu cầu. Các buổi trao đổi chuyên môn, tham gia các khoá học, nghiên cứu tài liệu là rất cần thiết, tuy nhiên cũng không thể tham gia thường xuyên vì không có đủ thời gian”.
Cũng có nhiều trăn trở, cô Ngọc Mai – Giáo viên tại quận Ba Đình cho biết: “Dạy tích hợp có nhiều ưu điểm về lượng kiến thức truyền tải cho học sinh. Việc học Lịch sử cùng với kiến thức Địa lý là điều cần thiết và vẫn được thực hiện”.
Tuy nhiên, cô giáo cũng nhận thấy để đạt được mục tiêu đề ra cũng cần đòi hỏi giáo viên phải nâng cao trình độ. Nếu chỉ dạy ở mức cơ bản thì không bàn tới, nhưng để có thể biến kiến thức của 2-3 người gộp lại 1 thì không thể một sớm một chiều thực hiện được.
Quá ít thời gian bồi dưỡng dạy liên môn
Dưới góc độ quản lý, trao đổi với Người Đưa Tin, bà Đặng Thị Kim Tuyến – Phó phòng GD&ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng nhận thấy các thầy cô đang gặp phải khó khăn khi chưa đủ trình độ chuyên môn dạy tích hợp.
“Đối với tích hợp ở các môn Khoa học xã hội chúng tôi thực hiện cơ bản ổn định, sau khi được bồi dưỡng giáo viên tiếp cận khá thuận lợi. Tuy nhiên, với Khoa học tự nhiên thì ngược lại, đặc biệt là với môn Hoá học có lượng kiến thức khó, không dễ gì để các cô giáo dạy Vật lý, Sinh học có thể giảng dạy”, bà Tuyến cho biết.
Cùng với đó, việc cải cách kiến thức trong chính các môn học cũng là điều cản trở cho người dạy. Đơn cử, thầy cô phải học lại từ đầu việc đọc tên các nguyên tố hoá học khi cách gọi không còn giống như trước kia.
“Gần như 100% giáo viên ở Ba Vì đã được bồi dưỡng các kiến thức liên môn, nhưng cũng không thể bằng việc đào tạo 4 năm trong trường đại học. Chúng tôi phải thường xuyên mời chuyên gia, phân chia giáo viên giảng dạy theo các phân môn, tổ chức các buổi trao đổi chuyên môn để giúp thầy cô được bồi dưỡng nghiệp vụ “, bà Đặng Thị Kim Tuyến thông tin.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Phó Hiệu trưởng một trường ngoài công lập trên địa bàn quận Cầu Giấy bày tỏ còn rất nhiều bất cập khi dạy tích hợp.
Vị này đánh giá: “Dạy tích hợp nhưng bản thân sách giáo khoa không thể hiện tích hợp nên giáo viên rất khó để thực hiện. Không có đủ số lượng giáo viên để dạy chương trình mới, chưa kể việc biết 10 mới dạy được 1, sinh viên sư phạm học 4 năm mới dạy được 1 môn thì không thể chỉ học bồi dưỡng thời gian ngắn là dạy được liên môn”.
Đại diện nhà trường cũng cho rằng cần có lộ trình phù hợp, dù chuẩn bị khá lâu nhưng chúng ta không có lượng giáo viên ra trường đáp ứng đúng với tinh thần dạy liên môn, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Ngoài ra việc phân bổ các tiết dạy cũng là điểu cản trở đối với hệ thống các trường ngoài công lập hiện nay.