Công ty sản xuất chip bán dẫn SK hynix của Hàn Quốc nổi tiếng với các dòng chip bộ nhớ động (DRAM) và bộ nhớ flash. Đây là một công ty tích hợp theo chiều dọc, có nghĩa là SK hynix không chỉ thiết kế các chip của mình mà còn trực tiếp sản xuất chúng. Điều này khiến các công ty khác mong muốn tiếp cận được những bí mật công nghệ của SK hynix.
Theo The Korean Bizwire , một cựu nhân viên nữ của SK hynix đã bị kết án 18 tháng tù và phạt số tiền tương đương 14.300 USD (khoảng 362 triệu đồng) sau khi bị phát hiện vi phạm pháp luật Hàn Quốc.
Cựu nhân viên này bị cáo buộc đánh cắp công nghệ liên quan đến sản xuất chip bán dẫn và sau đó đã rời công ty Hàn Quốc để gia nhập Huawei vào năm 2020. Cô ấy đang làm việc tại Trung Quốc cho SK hynix vào thời điểm rời khỏi công ty, và công việc của cô cho phép tiếp cận các tài liệu liên quan đến sản xuất chip. Trước khi rời SK hynix, cô đã in 4.000 tài liệu quan trọng trong vòng 4 ngày.
Những tài liệu này chứa thông tin được coi là công nghệ cốt lõi theo luật pháp Hàn Quốc. Để tránh bị phát hiện, cô đã in khoảng 300 trang mỗi ngày và giấu chúng trong ba lô và túi mua sắm. Trong phiên tòa, cô giải thích rằng mình sao chép những tài liệu này để học hỏi công nghệ và đảm bảo rằng khi rời khỏi SK hynix sang Huawei, việc chuyển giao thông tin sẽ diễn ra suôn sẻ.
Sau khi nghe các lý do, Tòa án chi nhánh Yeoju thuộc Tòa án Quận Suwon vẫn phán quyết rằng hành động của cô vi phạm Đạo luật Bảo vệ Công nghệ Công nghiệp của Hàn Quốc. Tòa án nhận thấy hành vi của cô đáng ngờ vì cô in tài liệu ngay trước khi rời SK hynix và chấp nhận lời mời của Huawei vào tháng 6/2022.
Tòa án cho rằng cô in những tài liệu này để nâng cao giá trị bản thân đối với Huawei. Trong phán quyết của mình, tòa án cũng nhấn mạnh rằng hệ thống bảo mật tại nhà máy của SK hynix ở Thượng Hải chưa đạt yêu cầu.
Dù bị kết tội, tòa án không tìm thấy bằng chứng cho thấy Huawei đã sử dụng thông tin bị đánh cắp, điều này đã ngăn cản tòa án áp dụng một mức án nặng hơn. Ngoài ra, tòa án cũng không phát hiện được rằng SK hynix đã chịu thiệt hại từ vụ việc.
Huawei đã bị coi là một mối đe dọa an ninh quốc gia ở Hoa Kỳ. Vì vậy, công ty này đã bị đưa vào danh sách thực thể của Hoa Kỳ, khiến Huawei không thể làm việc với chuỗi cung ứng ở Mỹ. Các quy định về xuất khẩu cũng ngăn chặn các nhà máy sử dụng công nghệ Mỹ gửi các loại chip tiên tiến cho Huawei.