Chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News (có trụ sở tại Singapore) thông tin Ấn Độ vừa ban hành quyết định bỏ chính sách giá sàn gạo trắng thường (không phải gạo basmati), áp dụng từ ngày 23-10.
Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nước này sẽ không bị hạn chế bởi giá sàn 490 USD/tấn được áp dụng từ 28-9 khi nước này cho phép các thương nhân xuất khẩu gạo trắng thông dụng trở lại.
Đáng chú ý, dù 23-10, nước này mới bỏ giá sàn xuất khẩu gạo nhưng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từ ngày 19-10 vừa qua, giá xuất khẩu gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ đã xuống chỉ còn 488 USD/tấn, tức thấp hơn giá sàn.
Về phía thị trường nhập khẩu, thông tin đáng chú ý là Indonesia hủy gói thầu mua 340.000 tấn gạo trắng 5% tấm từ Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Pakistan chỉ sau 1 ngày công bố.
Động thái này cho thấy, phân khúc gạo trắng 5% tấm đang gặp áp lực lớn về giá khi Ấn Độ "xả kho".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 24-10, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) nói rằng 2 diễn biến nói trên sẽ có tác động đến thị trường lúa gạo Việt Nam.
"Doanh nghiệp nhập khẩu sẽ có tâm lý chờ giá gạo Việt Nam giảm mới mua vào nhưng giá gạo nếu giảm chỉ vài ngày, sau đó sẽ tăng lại vì hiện tại Việt Nam không gặp áp lực phải bán hàng" – ông Thành nêu.
Cũng theo ông Thành, gạo Việt Nam sản xuất ra đến đâu, bán đến đó, không tồn trữ nhiều và từ nay đến cuối năm, Việt Nam chỉ còn vụ thu đông, sản lượng ít và tập trung vào gạo thơm, gạo đặc sản để phục vụ mùa Tết trong nước.
Vụ chính Việt Nam là Đông Xuân hiện còn chưa sản xuất nên nếu nông dân không trồng giống lúa trùng với phân khúc gạo bình dân của Ấn Độ thì không lo về cạnh tranh giá rẻ. Hiện tại, cơ cấu gạo của Việt Nam gần 80% là giống gạo chất lượng cao, không trùng với phân khúc của Ấn Độ.
"Ở một góc nhìn khác, gạo Ấn Độ rẻ hơn thì các mặt hàng như: bún, bánh, phở,… sẽ có chi phí đầu vào thấp hơn vì lâu nay Việt Nam nhập khẩu dòng gạo này khá nhiều, ước tính sản lượng lên đến cả triệu tấn" – ông Thành chia sẻ.