Ba chính sách quan trọng trong dự thảo Luật Nhà giáo

Admin

Được quyền tuyển dụng, giáo viên nhận lương cao nhất hay có thể nghỉ hưu sớm ở mầm non - những đề xuất nhiều năm qua ở ngành giáo dục chưa thành hiện thực, nay được đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng với 5 chính sách quan trọng gồm: định danh; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh; quản lý nhà nước về nhà giáo. Các chủ trương này đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định việc xây dựng luật này là cần thiết bởi các quy định liên quan giáo viên, quyền và chế độ đãi ngộ với họ tản mát trong nhiều văn bản hoặc chưa được đề cập đầy đủ.

Từ khi công bố dự thảo đầu tiên hồi tháng 5 đến nay, cơ quan soạn thảo đã 5 lần điều chỉnh. Một số đề xuất gây tranh cãi đã được bỏ như miễn học phí cho con giáo viên, cấp giấy phép hành nghề cho giáo viên.

Dự thảo được đưa ra thảo luận tại Quốc hội ngày 9/11 có ba điểm đáng chú ý sau:

Giao quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cho ngành giáo dục

Dự thảo Luật Nhà giáo giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (phụ trách đào tạo nghề) là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.

Hai Bộ này cũng sẽ được ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng; điều phối biên chế giáo viên trong các trường công lập. Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì, hoặc phân cấp cho các trường tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm. Phương thức tuyển dụng gồm xét tuyển hoặc thi tuyển, bắt buộc phải có phần thực hành sư phạm.

Hiện, hai Bộ chỉ quản lý về chuyên môn đối với nhà giáo, không quản lý số lượng, biên chế, việc tuyển dụng, bổ nhiệm... Ở các địa phương, việc này được giao cho cơ quan Nội vụ làm đầu mối.

Theo một số nhà quản lý, điều này dẫn đến thừa - thiếu cục bộ, khó khăn trong điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Một số chế độ với giáo viên chưa được thực hiện kịp thời, thiếu tính thống nhất như chế độ trả tiền dạy thừa giờ, tổ chức thi thăng hạng cho giáo viên...

Giáo viên coi thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Giáo viên coi thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Lương giáo viên cao nhất

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Giáo viên được tuyển dụng lần đầu được tăng một bậc lương so với bảng lương hành chính thông thường; nhóm dạy mầm non và tiểu học hưởng phụ cấp ưu đãi nghề cao hơn hiện nay lần lượt 10 và 5%. Tổng ngân sách chi tăng thêm cho hai nhóm là 12.800 tỷ đồng một năm. Ngoài ra, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm tối đa 5 tuổi so với quy định nếu có muốn mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu.

Trong đó, nguyện vọng nhà giáo được hưởng lương cao nhất từng được nhiều đời Bộ trưởng Giáo dục, đại biểu quốc hội đề xuất, nhưng chưa thành hiện thực.

Với các nhà giáo trẻ, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, ngày 11/10, cho hay họ hiện có lương khởi điểm thấp (hệ số 2,34, lương khoảng 6,8 triệu đồng). Bộ đã thống kê, khoảng 61% số thầy cô bỏ việc ở độ tuổi dưới 35 nên đề xuất tăng bậc lương để giữ chân họ. Nếu được thông qua, lương giáo viên cao hơn 14% so với các ngành, nghề khác.

Với giáo viên mầm non, từ năm 2020 khi Bộ Luật lao động có hiệu lực, cả Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều kiến nghị nhóm này được vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại để được nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì việc này, cho là không có căn cứ.

Ngoài ra, dự thảo Luật Nhà giáo quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có trình độ cao, có tài năng, năng khiếu đặc biệt hay kỹ năng nghề cao; nhà giáo tham gia giảng dạy ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn.

Không công khai thông tin sai phạm giáo viên khi chưa có kết luận

Ngoài làm rõ những điều giáo viên không được làm, dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định các việc mà tổ chức, cá nhân không được làm với họ, như: không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách; công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền; hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo.

Trước đó, cơ quan soạn thảo đề xuất không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức, đã gây tranh cãi.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, cho rằng như vậy là hạn chế quyền giám sát của người dân. Thực tế, nhiều sự việc bị phanh phui nhờ sự lên tiếng của học sinh và phụ huynh, nhất là vấn đề thu, chi trong trường học, các hành vi không phù hợp của thầy với trò.

Tuy nhiên, Bộ nói việc này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Giáo viên nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định.

"Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là họ mà còn là người học", Bộ nêu.

Dự thảo Luật Nhà giáo nêu rõ giáo viên là viên chức (công lập), người lao động (ngoài công lập) đặc biệt. Tùy nơi công tác, họ thực hiện các quy định của luật Viên chức hoặc bộ Luật lao động, đồng thời theo các quy định đặc thù của luật Nhà giáo.

Dương Tâm