Ngoài ra còn có những thông điệp gần gũi khác, “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”; “Gia đình, nhà trường cùng đồng hành để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng”; “Không gian mạng an toàn, công dân số tương lai”… đã được cộng đồng xã hội hưởng ứng, tích cực vào cuộc bằng những việc làm, hành động cụ thể.
Một trong những nội dung quan trọng trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay tập trung vào việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong bối cảnh, môi trường mạng ngày càng trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc xây dựng không gian mạng an toàn và bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ này là một ưu tiên hàng đầu.
Các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia về trẻ em nhấn mạnh: Chúng ta cần chung tay để tạo lập cuộc sống, môi trường thế giới số ngày càng an toàn lành mạnh hơn. Điều đó đòi hỏi phải có những đánh giá đúng đắn từ thực tiễn và ở tầm chiến lược, dự báo, xem xét những kinh nghiệm, các bài học của Việt Nam và quốc tế để có các giải pháp cụ thể hơn, thiết thực hơn. Một mặt bảo vệ an toàn, mặt khác thúc đẩy các cơ hội để trẻ em có thể tham gia tích cực hơn trên môi trường mạng.
Trên nhiều diễn đàn gần đây, các chuyên gia trong nước và quốc tế nêu vấn đề cần thúc đẩy thu thập thông tin, chia sẻ dữ liệu giữa các cấp, cơ quan, tổ chức trong nước cũng như khu vực và quốc tế.
Vấn đề quan trọng nữa là cần tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật chính sách để tăng cường tính phòng ngừa, tính bảo vệ và đấu tranh, xử lý hiệu quả các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng thông qua các quy trình bảo vệ trẻ em ở môi trường đặc thù. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhấn mạnh giải pháp tạo “vaccine số” để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng.
Đó là những sáng kiến phần mềm để chặn, lọc, gỡ bỏ, giám sát trẻ em sử dụng internet trong gia đình, tại trường học. Tuy nhiên, vaccine số phải được tạo từ các giải pháp về mặt kỹ thuật cũng như các kiến thức, kỹ năng đồng hành cùng trẻ của các bậc cha mẹ, đội ngũ giáo viên, quan tâm nâng cao kỹ năng tôn trọng quyền riêng tư, tôn trọng ý kiến, như vậy mới được trẻ em tiếp nhận bền vững.
Tháng 8/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu, phối hợp Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành quy chế phối hợp giữa ba ngành trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.
Mục đích xây dựng quy chế nhằm tăng cường trách nhiệm, huy động và phát huy hiệu quả năng lực tổng hợp của các cơ quan, đơn vị thuộc ba Bộ trong triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường công tác thực thi pháp luật, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, YouTube, kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Các cơ quan chuyên môn cần tăng cường giám sát, yêu cầu các trang thông tin điện tử, mạng xã hội do tổ chức, doanh nghiệp trong nước cung cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành về ngăn chặn, loại bỏ thông tin xấu độc. Các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet phải có các giải pháp khuyến cáo, hướng dẫn các thuê bao về cách thức quản lý truy cập và thực hiện nghiêm việc ngăn chặn các nội dung thông tin không phù hợp trẻ em.