Chiều 5/8 tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, phóng viên đặt vấn đề Bộ Công thương có đề xuất quy định thời gian điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần, vậy tính khả thi của đề xuất này? Điều này có gây xáo trộn đến người dân khi mà cứ 3 tháng thì chúng ta lại điều chỉnh giá điện một lần?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dẫn Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ, thì EVN có thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ở mức dưới 5% (cụ thể là từ 3 - đến dưới 5%). Quy định này nhằm đảm bảo mức độ tự quyết của doanh nghiệp trên khung giá đã được Chính phủ quy định.
Về chu kỳ điều chỉnh giá điện, do ảnh hưởng của địa chính trị thế giới, giá nhiên liệu thế giới tăng cao từ cuối quý I/2022. Chí phí nhiên liệu mà Việt Nam phải nhập khẩu để sản xuất điện tăng theo giá thế giới làm chi phí mua điện của EVN tăng cao ảnh hưởng đến cân đối tài chính và dòng tiền của tập đoàn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Theo ông Hải, EVN đã đề xuất điều chỉnh tăng giá điện vào các năm 2022, 2023 để đảm bảo dòng tiền, tình hình tài chính. Với biện động thông số đầu vào (chủ yếu là giá nhiên liệu), kết quả tính toán cho thấy giá điện cần điều chỉnh tăng ở mức tương đối cao để đảm bảo dòng tiền cho EVN.
"Trong quan trình đề xuất xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN năm 2022 cũng như 2023, Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến là cần nghiên cứu, điều chỉnh giá điện theo lộ trình từng bước cho phù hợp, tránh điều hành giật cục", ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, trên cơ sở nghiên cứu sửa đổi Quyết định 24 để tránh gây ảnh hướng lớn đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, trong dự thảo đã đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá bán điện xuống còn 3 tháng/lần.
"Sự điều chỉnh này phù hợp với quy định hiện nay bởi theo Quyết định 24 đã quy định EVN phải cáo cáo, tính toán giá điện cập nhật hàng quý. Đề xuất mới hoàn toàn phù hợp với quy định này", ông Hải cho biết.
Tuy nhiên, giá điện là mặt hàng "nhạy cảm" tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân cũng như các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nên việc thực hiện điều chỉnh giá điện với mức độ, thời điểm… phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo việc điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị và kinh tế xã hội.
Hôm 3/8, tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác điều hành giá 7 tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo phương án giá điện cập nhật hàng quý năm 2023 để thực hiện giá bán điện theo quy định.
"Sớm hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, sẽ điều chỉnh giá bán lẻ điện 3 tháng/lần, thay vì 6 tháng/lần như hiện nay
Mới đây, Bộ Công thương đã đưa ra phương án mới về việc sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó đề xuất thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng/lần kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn hơn so với quy định hiện hành là 6 tháng.
Giá điện sẽ được tính toán dựa trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Điểm mới trong đề xuất lần này là quy định cụ thể khi nào giảm giá điện. Theo đó, nếu các thông số đầu vào các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý) làm giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. EVN sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Với trường hợp tăng giá, theo dự thảo mới nếu giá bán điện bình quân tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Nếu giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận thì tăng giá.
Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 10% trở lên so với mức hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng/kWh, áp dụng từ ngày 4/5/2023.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện dựa vào giá bán lẻ điện bình quân nêu trên. Theo đó, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được rút ngắn từ 6 bậc hiện hành về còn 5 bậc.