Năm 2030 có thể cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao
Cuối giờ sáng 1/11, phát biểu giải trình tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận các ý kiến thảo luận, góp ý của các ĐBQH đề cập đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Trong đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, việc đổi mới giáo dục phổ thông, hay sách giáo khoa (SGK), tài chính giáo dục, tự chủ đại học, thừa thiếu giáo viên, chế độ chính sách nhà giáo, phân luồng hướng nghiệp….
Làm rõ thêm về nội dung trong báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ có đề cập trong thời gian tới, ngành công nghiệp bán dẫn dự báo sẽ cần nguồn nhân lực rất lớn, có thể cần đến 50.000 đến 100.000 nhân lực (từ nay đến năm 2030).
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự lo ngại là ngành giáo dục và đào tạo sẽ làm như thế nào để có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao rất là mới và đầy thách thức này?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng nhận thức thấy đây là một trọng trách của ngành, một sứ mệnh để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp, hóa hiện đại hóa đất nước và đổi mới các đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.
"Chúng tôi cũng đã nhận chỉ đạo của Thủ tướng, đã lên kế hoạch để triển khai trong lĩnh vực này. Hiện nay, với dự đoán 50.000 đến 100.000 nhân lực. Trong đó, yêu cầu nhiều trình độ và nhiều nhóm chuyên môn; ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn. Hiện có tới 35 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang đào tạo những lĩnh vực trực tiếp hoặc là lĩnh vực gần đối với lĩnh vực này", ông Sơn nói.
Và cho biết, các lĩnh vực gần như là về công nghệ thông tin, về điện tử viễn thông, đấy là những lĩnh vực sinh viên có chuyển đổi bổ túc, để có thể có ngay những nhân lực đảm nhiệm trong lĩnh vực này. Còn các trường cũng đã tổ chức mạng lưới, để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thiết kế chương trình.
Ngày 19/10 tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức hội nghị để triển khai công việc quan trọng này. Bộ đang tăng cường điều kiện từ đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất để có thể đảm nhiệm được công việc này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ký một hiệp định với Intel và với nhiều các doanh nghiệp, để xác định vừa xác định chính xác nguồn nhân lực cho các nhóm, cũng như có những đào tạo sát để tránh với việc chúng ta ào ào ào tạo để cuối cùng lại thừa thì không tốt.
Dự kiến trong năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trong lĩnh vực trực tiếp thiết kế vi mạch bán dẫn. Các lĩnh vực liên quan thì sẽ tuyển khoảng trên 7.000 và sẽ tăng dần số này từ 20 đến 30% hàng năm. Với một sự tập trung cao độ giải quyết các vướng mắc dự kiến đến năm 2030 con số dự kiến có thể đáp ứng được.
"Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao nhưng cũng mong rằng cần phải có một sự đầu tư cao, chứ nếu không thì “không thể tay không bắt Chip được”", Tư lệnh ngành giáo dục nêu ý kiến.
Ưu tiên đảm bảo đủ SGK trước năm học mới
Về thừa thiếu giáo viên, yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên, con số này gia tăng không ngừng vì số lượng học sinh đầu năm học vừa rồi tăng lên rất nhiều.
Như ĐBQH có chia sẻ, chỉ riêng tỉnh Bình Dương đã tăng 35.000 học sinh. Như vậy, số học sinh, trẻ em đi học tăng lên rất lớn nên yêu cầu về giáo viên cũng tăng lên.
Bên cạnh đó tiếp tục là tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.
Năm 2022 cùng với Bộ Nội vụ, chúng tôi xác định chỉ tiêu cho các tỉnh để tuyển giáo viên. Nhưng theo thống kê của ngành nội vụ, hiện, các tỉnh vẫn còn lại hơn 64.000 chỉ tiêu chưa dùng. "Có nhiều lý do, có nơi dùng để dành để cắt giảm 10% biên chế, nhưng cũng có nơi không có nguồn tuyển", ông Sơn nêu.
Đến nay, ngoài giáo viên những môn học mới đang trong quá trình đào tạo, như giáo viên mầm non dù nguồn tuyển có nhưng không có người ứng tuyển, do lương thấp, áp lực lớn nên không có người ứng tuyển.
"Đây là vấn đề lớn cần phải đưa ra các giải pháp, một mặt vừa chuẩn bị nguồn tuyển. Nhưng cũng cần sớm có sự điều chỉnh về lương, chế độ chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi và các giải pháp khác đồng bộ khác", ông Sơn bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề về sách giáo khoa được các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong báo cáo Chính phủ về kinh tế - xã hội có nhận định “sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu”. Đây là nhận định mà ngành Giáo dục xác định là đòi hỏi cao, rất trách nhiệm của Chính phủ, dù đã làm được nhiều việc nhưng vẫn phải làm tốt thêm và ngành Giáo dục đang cố gắng để thực hiện tốt.
Vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và trong Nghị quyết giám sát 686 đã ghi nhận: Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dạy và học.
Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổn thông mới, phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực của học sinh; việc biên soạn SGK đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ uy tín, kinh nghiệm và từ năm 2020 đến nay đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản, với tổng số lượng 194 triệu bản sách.
"Như vậy, đây là ghi nhận sự cố gắng với toàn ngành Giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách", ông Sơn nêu rõ.
Cũng có ý kiến băn khoăn về tài chính chi cho đổi mới giáo dục, con số đưa ra trong báo cáo là 213.449 tỷ, ông Sơn cho biết đây là con số thống kê cả chi thường xuyên và cả chi cho đầu tư phát triển. Còn con số trực tiếp chi cho đổi mới giáo dục, bao gồm việc biên soạn chương trình, thẩm định sách giáo khoa, tập huấn cho giáo viên toàn quốc, tổng chi phí là 395,2 tỷ đồng.
Về việc đại biểu quan tâm Nghị quyết đoàn giám sát liên quan tới việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa, ông Sơn cho hay: "Tôi cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng các SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 thật tốt, đảm bảo đủ SGK trước năm học mới. Còn vấn đề được giao chúng tôi sẽ có nghiên cứu, đề xuất và cố gắng trong 1- 2 năm tới khi một chu trình đổi mới đã được hoàn tất, chúng tôi sẽ có đánh giá sâu và đề đạt với Quốc hội sau".
Thêm một bộ SGK có giải quyết được vấn đề về giá?
Phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội về vấn đề SGK ngày 1/11, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp.HCM) nêu rõ chủ trương xã hội hóa SGK là nhằm tranh thủ khai thác chất xám, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo để soạn thảo các SGK phục vụ cho cải cách giáo dục. Đồng thời, huy động tiềm lực kinh tế của xã hội.
Theo đại biểu, xã hội hóa đang được tiến hành tốt như vậy thì ban đầu bao giờ cũng có những trục trặc nhất định, trục trặc gì thì sửa cái đó.
“Còn bây giờ đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng biên soạn bộ SGK nữa thì liệu có giải quyết được những vấn đề mà hiện nay là đang đặt ra hay không? vấn đề về giá chẳng hạn”, đại biểu Nghĩa nêu vấn đề.
Nếu có vấn đề về giá thì khắc phục vấn đề này có thể trợ cấp hay huy động để cho mượn sách giáo khoa, ủng hộ các đối tượng chính sách vùng sâu, vùng xa.
“Chứ không phải chúng ta thay thế bằng cách “đẻ” ra một bộ SGK của Nhà nước là giải quyết được vấn đề, nếu không giải quyết được vấn đề thì sao?”, ông Nghĩa băn khoăn.
Bộ không cần biên soạn SGK ở thời điểm hiện tại
Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 1/11, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đoàn Hải Dương cho biết, những ngày gần đây cũng có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau cả trong những người nghiên cứu xây dựng pháp luật, các ĐBQH cũng như dư luận chung, đội ngũ giáo viên và nhà quản lý giáo dục.
“Theo quan điểm của tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cần biên soạn một bộ SGK hay không, theo tôi Bộ cần biên soạn một Bộ SGK. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải biên soạn thêm một bộ SGK nữa trong thời điểm hiện tại. Bởi, số lượng SGK trong thời điểm hiện tại xã hội hóa cũng có một số bộ SGK được thẩm định và đủ điều kiện đưa vào giảng dạy”, bà Nga nói.
Thêm nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay cũng đang ngổn ngang rất nhiều các công việc khác nhau để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời cho biết, trong đó, có những việc mang tầm vĩ mô rất lớn phải giải quyết ngay như tình trạng thiếu giáo viên, phải khẩn trương chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024-2025 là kỳ thi đầu tiên của việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Bởi vậy, nếu yêu cầu Bộ thực hiện ngay một bộ SGK trong thời điểm công việc bộn bề như vậy thì hiệu quả không cao và khó thực hiện. Do vậy, đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị đầy đủ mọi cơ sở rất tốt để thực hiện bộ SGK này chứ không phải trong thời điểm hiện tại”, bà Nga nhấn mạnh.