Bộ trưởng GTVT: Tranh thủ từng giây, từng phút để giải ngân vốn

Vũ Xuân Kiên

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo sẽ điều chuyển các dự án giải ngân chậm đảm bảo tiến độ và có chế tài xử lý nghiêm các chủ đầu tư/ban quản lý, nhà thầu giải ngân không đạt tiến độ.

Khẳng định mặt bằng chung sáu tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải đạt 37% là tương đối tốt, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng lưu ý sáu tháng còn lại nguồn vốn giải ngân còn 63% là cả vấn đề nặng nề.

“Với số giải ngân năm 2023 được giao hơn 90.000 tỷ đồng, đây là nguồn vốn lịch sử nên các đơn vị cần giải ngân phải quyết liệt, tranh thủ từng giây từng phút một để đạt hiệu quả giải ngân,” Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.

vnpnguyen-van-thang-1007-1689046531.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Điều chuyển, xử lý nghiêm đơn vị chậm giải ngân

Phát biểu tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều ngày 10/7, theo Bộ trưởng Thắng, sáu tháng đầu năm nay dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành giao thông cơ bản hoàn thành các mặt công tác đề ra. Cụ thể, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, pháp luật, góp phần giải quyết nhiều vấn đề nóng, các Dự án Cao tốc Bắc-Nam và cao tốc trục ngang được bộ và địa phương triển khai quyết liệt và đã khởi công, giải ngân vốn đầu tư công cao so với bình quân chung của cả nước, 5/5 quy hoạch ngành đã được phê duyệt…

Tuy nhiên, “Tư lệnh” ngành Giao thông Vận tải cũng chỉ ra các tồn tại như một số dự án còn chậm tiến độ; công tác đào tạo cấp thu hồi giấy phép đường thủy còn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí nhưng còn mức cao và xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; còn xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hàng không.

Để hoàn thành các nhiệm vụ trong sáu tháng cuối năm nay, Bộ trưởng Thắng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan đơn vị của ngành bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ nhằm tham mưu kịp thời các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, tiến độ về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Đi sâu từng lĩnh vực, ông Thắng chỉ đạo các cục chuyên ngành cần tăng cường thanh kiểm tra quản lý về đường thủy nội địa; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; kiểm soát chặt chẽ slot (điều phối giờ cất, hạ cánh) của các hãng hàng không; sở giao thông vận tải địa phương tăng cường thanh kiểm tra, thông qua công nghệ có chế tài xử lý nghiêm vi phạm hoạt động vận tải sẽ thu hồi giấy phép.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam triển khai các giải pháp đồng bộ, tăng cường phòng chống tham nhũng tiêu cực, đề xuất sửa đổi theo thực tiễn nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý Nhà nước đặc biệt là lái xe sau đào tạo, triển khai thanh kiểm tra đào tạo lái xe bởi sau thanh tra có nhiều vấn đề đồng thời có các kiến nghị điều chỉnh văn bản pháp luật, các vấn đề về mặt kỹ thuật… trong thời gian tới.

vnp-sat-hach-lai-xe-oto-1007-1689046531.jpg
Học viên thi sát hạch lái xe sa hình tại một trung tâm đào tạo sát hạch lái xe ở Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đề cập đến công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư bám sát công trường tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu, đảm bảo nhà thầu có đủ năng lực tài chính và tranh thủ thời tiết thi công đẩy nhanh tiến độ, các dự án cao tốc hoàn thành theo đúng yêu cầu đề ra; kịp thời báo cáo bộ chỉ đạo tháo gỡ những vấn đề vượt thẩm quyền của ban quản lý dự án và chủ đầu tư; điều chuyển các dự án giải ngâm chậm đảm bảo tiến độ giải ngân của Chính phủ giao.

“Sáu tháng cuối năm tập trung tối đa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh hơn nữa đi hiện trường và làm việc với các địa phương tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thì may chăng mới hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm nay. Vụ Kế hoạch-Đầu tư tham mưu để bộ có chế tài xử lý với các chủ đầu tư/ban quản lý dự án giải ngân không đạt tiến độ,” ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng giao Vụ Tài chính hoàn thiện và sớm trình đề án thu phí đường bộ cao tốc do ngân sách Nhà nước đầu tư; các đơn vị xử lý tồn tại bất cập của các dự án BOT; sớm đấu thầu đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ cao tốc giai đoạn 1. Cục Hàng không triển khai duy tu đảm bảo kết cấu hạ tầng khu bay, an toàn bay. Cục Đường bộ tiến hành bảo trì đường bộ như sửa chữa quốc lộ xuống cấp, xóa các điểm đen để giảm tai nạn giao thông…

Một số dự án chậm tiến độ, giải ngân

Trước đó, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện tại, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đang tích cực hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án mới.

Trong đó, 5 dự án sẽ phấn đấu khởi công vào cuối năm 2023 gồm Đường Hồ Chí Minh các đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn (28,5km); Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận (55km); Chơn Thành-Đức Hòa (gần 73km); Cao tốc Hòa Liên-Túy Loan (hơn 11km); Cầu Đại Ngãi.

Theo ông Dũng, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, nhà thầu đã nỗ lực, quyết tâm nhiều dự án quan trọng đã kịp thời được đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu như Dự án Cao tốc Bắc-Nam các đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, Phan Thiết-Dầu Giây, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Nha Trang-Cam Lâm; Dự án kênh nối Đáy-Ninh Cơ đã hoàn thành.

Hàng loạt các dự án quan trọng khác như Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải, Dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn... cũng đang được Bộ Giao thông Vận tải đôn đốc các chủ đầu tư/ban quản lý dự án rốt ráo triển khai, đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu.

vnp-cao-toc-tham-nhua-1007-1689046531.jpg
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục quản lý đầu tư xây dựng cho hay một số dự án còn chậm tiến độ; giá trị khối lượng hoàn thành của Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 mới đạt 3.648/29.108 tỷ đồng (đạt 12,5% số vốn bố trí cho năm 2023).

Ông Tiến chỉ ra nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư còn chậm, mặt bằng bàn giao không liên tục, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công; nhu cầu vật liệu xây dựng lớn, trong khi các mỏ vật liệu đang khai thác chỉ phục vụ cho nhu cầu thông thường tại địa phương.

“Một số chủ đầu tư/ban quản lý dự án chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm, chưa sâu sát trong quá trình thực hiện dự án theo nhiệm vụ được bộ giao. Một số nhà thầu thi công dàn trải, chưa giải quyết dứt điểm được các dự án cũ theo đúng kế hoạch dẫn tới chưa triển khai các dự án mới theo tiến độ yêu cầu; năng lực tổ chức triển khai, trang thiết bị máy móc còn hạn chế, đặc biệt là năng lực về tài chính; công tác quản lý còn nhiều bất cập, chưa chú trọng bố trí nhân sự nội nghiệp cho công tác nghiệm thu, thanh toán,” ông Tiến nhìn nhận./.