BĐS còn tiềm năng phát triển mạnh
Tại hội thảo quốc tế "Tiềm năng phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam" sáng 13/7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhận định, lĩnh vực bất động sản (BĐS) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.
Tính trung bình, đóng góp của ngành xây dựng và BĐS trong GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách (trong đó ngành BĐS trực tiếp chiếm khoảng 4,5%).
Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS đã không ngừng gia tăng và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thị trường. Lũy kế đến nay, vốn FDI vào lĩnh vực BĐS đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
BĐS là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút FDI, chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, thách thức và nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
“Bộ Xây dựng cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thị trường BĐS tại Việt Nam”, Thứ trưởng Văn nhấn mạnh.
Chia sẻ về cơ hội và tiềm năng phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam và những những điểm mới trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đánh giá, dù có những khó khăn của thị trường BĐS thời gian qua nhưng xu hướng phát triển là tất yếu và tiềm năng còn nhiều. Nhận định trên theo ông Hải được đưa ra bởi 7 nguyên do cụ thể.
Thứ nhất, do tốc độ đô thị hoá tại Việt Nam tăng nhanh. Tỉ lệ đô thị hóa Việt Nam tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2010-2020, từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% vào năm 2020; tốc độ tăng tỉ lệ đô thị hóa giai đoạn 2010-2020 là 2,75%/năm. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị.
“Với tốc độ đô thị hóa cao, dân số đô thị ngày càng tăng, các đô thị lớn thu hút lực lượng lao động thúc đẩy nhu cầu nhà ở xã hội, có giá thành phù hợp tiếp tục tăng cao. Sự gia tăng quy mô kèm theo cơ cấu dân số trẻ tăng nhanh ở khu vực đô thị sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nhà ở phù hợp với các nhóm gia đình trẻ đô thị trong trung hạn tiếp tục tăng cao”, ông Hải nói.
Thứ hai, về dân số ghi nhận tỉ lệ tăng dân cư đô thị giai đoạn 2010-2020 theo tính toán từ dữ liệu của Tổng cục Thống kê là 3,1%/năm cao hơn so với mức tăng trung bình 2,5% của các quốc gia Đông Nam Á.
Trong khi đó tốc độ tăng trưởng tỉ lệ đô thị hóa trong cùng giai đoạn theo tính toán của Tổng cục Thống kê là 1,9%/năm. Điều này hàm ý tỉ lệ dân cư đô thị sẽ tăng gấp đôi sau 38 năm.
Thứ ba, nguồn cung còn thiếu nhiều so với nhu cầu. Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người đạt khoảng 27m2 vào năm 2025, đạt khoảng 30m2 vào năm 2030 nhưng hiện nay mới đạt khoảng 25,6m2.
Thứ tư, hiện nay Việt Nam đang là điểm đến của các tập đoàn lớn về sản xuất. Kéo theo đó, nhu cầu về nhà ở cho công nhân KCN, khu chế xuất tăng cao.
Thứ năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh so với năm trước cùng với các đợt nghỉ lễ dài ngày trong 6 tháng đầu năm đã tác động tích cực tới công suất cho thuê và giá cho thuê khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Công suất thuê và giá cho thuê đối với chung cư cho thuê và mặt bằng trung tâm thương mại cơ bản ổn định.
Thứ sáu, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đang cho thấy hiệu quả. Đây là dư địa tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tạo thêm động lực cho mọi hoạt động phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với thị trường BĐS.
Và cuối cùng, đề án “ Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” cùng đang góp phần thúc đẩy thị trường BĐS cân đối cơ cấu nguồn cung.
Sửa luật thể hiện trách nhiệm của Nhà nuớc
Đánh giá về tác động của việc sửa đổi hai đạo luật Nhà ở và Kinh doanh BĐS đối với triển vọng thị trường, ông Hải cho rằng việc sửa luật giúp thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với thị trường BĐS.
Về Luật Nhà ở, đạo luật này sẽ tạo tác động về kinh tế trong việc tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với tài sản là nhà ở và khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở đảm bảo cân đối cung - cầu, đa dạng hóa nguồn cung, tránh tình trạng thị trường phát triển nóng, bất thường, gây lạm phát kinh tế.
Hệ thống tài chính nhà ở được hoàn thiện theo hướng ổn định và dài hạn, giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, đồng thời đảm bảo nguồn vốn phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng chính sách. Tăng nguồn cung nhà ở, giảm giá nhà, tạo nhiều cơ hội cho đa số người dân tiếp cận với nhà ở phù hợp, góp phần ổn định an sinh xã hội.
Các quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài được luật hóa theo hướng rõ ràng, cụ thể tạo sự yên tâm về điều kiện sinh sống làm việc tại Việt Nam, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế mà không ảnh hưởng đến chính sách nhà ở cho các đối tượng xã hội.
Về Luật Kinh doanh BĐS, giúp cho thị trường BĐS tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, ngân sách nhà nước qua đó sẽ tăng thu, việc tái đầu tư lại xã hội như mở rộng trường học, xây dựng công viên, phát triển nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp,… sẽ có thêm nguồn lực để thực hiện tốt hơn. Góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Qua đó, tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, công khai, minh bạch hơn cho hoạt động kinh doanh BĐS, kiểm soát thị trường BĐS cũng như kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh BĐS.
Ngoài ra, các tổ chức trung gian, liên quan đến thị trường BĐS như tổ chức tín dụng, văn phong công chứng, công ty luật, các doanh lĩnh vực ngành nghề sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của thị trường BĐS kéo các theo nhu cầu khác về kinh tế xã hội.