BRICS đang đối trọng với G7 như thế nào?

Admin

Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) sẽ diễn ra vào ngày 22/8 sắp tới tại Johannesburg và sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của nhóm kể từ năm 2019.

Theo đài Sputnik (Nga), các nhà lãnh đạo BRICS đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh rất được mong đợi tại Nam Phi. Kể từ khi thành lập, BRICS đã trở thành nhóm đại diện cho nguyện vọng của các quốc gia đang phát triển nhằm thách thức quyền bá chủ kinh tế của tập thể phương Tây. Liệu BRICS sẽ làm gì để đạt được mục tiêu này?

BRICS đã ra đời và mục đích của khối

Tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg vào tháng 6/2006, bộ trưởng kinh tế Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (BRIC) đã thành lập hiệp hội liên quốc gia để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cuộc họp chính thức đầu tiên của các thành viên BRIC diễn ra bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2006. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của BRIC diễn ra tại Yekaterinburg, Nga tháng 6/2009. Nam Phi gia nhập khối vào tháng 12/2010.

Ngay từ đầu, nhóm các quốc gia BRIC đã đề xuất và vạch ra nhiều mục tiêu chủ yếu liên quan đến kinh tế - từ các cơ hội đầu tư chung, hợp tác kinh tế, đến đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, phát triển toàn cầu, cải cách Liên hợp quốc và đảm bảo các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có tiếng nói và đại diện lớn hơn trong các tổ chức tài chính quốc tế.

Thông cáo của hội nghị thượng đỉnh Yekaterinburg tháng 6/2009 đã tóm tắt các mục tiêu và lợi ích của các bên – bao gồm thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia từng bước, chủ động, cởi mở và minh bạch, với mục tiêu không chỉ phục vụ lợi ích chung của các nền kinh tế thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, mà còn xây dựng thế giới hài hòa với hòa bình lâu dài và thịnh vượng chung.

BRICS đối trọng với G7 như thế nào?

BRICS đang đối trọng với G7 như thế nào? - Ảnh 1.

Logo Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. Ảnh: Sputnik

Chưa đầy một thập kỷ rưỡi kể từ khi thành lập, các quốc gia BRICS đã chứng minh những bước phát triển đáng kể. Cụ thể, năm 2022, BRICS đã vượt qua Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và về sức mua tương đương PPP vào năm 2018.

BRICS cũng đã thiết lập các lộ trình và thể chế hợp tác để đảm bảo khả năng chịu áp lực của các thành viên khi bên thứ ba gây tổn hại cho nền kinh tế của họ.

Bảy năm nữa, đến năm 2030, các quốc gia BRICS dự kiến sẽ chiếm hơn 50% GDP của thế giới, giúp củng cố hơn nữa vị thế với tư cách là khối kinh tế mạnh nhất trên thế giới.

Không giống như nhiều thể chế kinh tế và chính trị do phương Tây dẫn đầu, BRICS không có trụ sở duy nhất. Thay vào đó, các cơ quan hoạt động của khối trải rộng khắp các quốc gia thành viên. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Mới có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc), Hội đồng Thương mại BRICS đặt tại Johannesburg (Nam Phi), khuôn khổ hỗ trợ tài chính ngắn hạn của Thỏa thuận Dự trữ Dự phòng có trụ sở tại Moskva (Nga).

Các hội nghị cấp cao của nhóm sẽ được tổ chức luân phiên tại các quốc gia thành viên, củng cố hơn nữa hình ảnh về quan hệ đối tác dựa trên sự bình đẳng trong khối.

Những quốc gia muốn gia nhập BRICS

Với vốn kinh tế và ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng, nhóm BRICS ngày càng có sức hấp dẫn đối với nhiều quốc gia ở các nước đang phát triển và Nam bán cầu.

Algeria, Argentina, Bangladesh, Belarus, Ai Cập, Ethiopia và Iran hiện là những ứng cử viên chính thức của BRICS. Ngoài ra, gần 30 quốc gia khác trên khắp châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Mỹ Latinh - từ Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ đến Afghanistan, Indonesia, Mexico, Venezuela và Saudi Arabia - đã đăng ký gia nhập hoặc bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập khối này.

Không giống như các khối quyền lực địa chính trị của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, các nước BRICS đã nhấn mạnh sự cởi mở, chủ nghĩa thực tế chính là nền tảng cho sự hợp tác giữa các thành viên. Điều này, tình cờ đã cho phép các quốc gia có thể tự coi mình là đối thủ tiềm năng, như Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng vẫn hợp tác hài hòa trong tổ chức bất chấp những bất đồng.

Các thành viên của khối có tổng GDP hơn 26.000 tỷ USD, chiếm 41% dân số và 26,7% diện tích đất của thế giới (39,7 triệu km2). Thành viên của BRICS cũng là những cường quốc kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới (Trung Quốc) và cường quốc quân sự (Nga).

Đồng tiền BRICS

Các thành viên BRICS đang thúc đẩy tạo ra một loại tiền dự trữ và thương mại mới có thể đóng vai trò thay thế đồng USD. Động thái tạo ra đồng tiền BRICS hứa hẹn củng cố đáng kể vị thế của khối trong các vấn đề toàn cầu.

Hiện chi tiết về loại tiền tệ mới vẫn chưa được công bố. Giới chuyên gia cho rằng các đối thủ lớn về kinh tế của BRICS là Trung Quốc và Ấn Độ chắc chắn sẽ tìm ra những ưu điểm của đồng tiền BRICS trước khi có thể đạt thỏa thuận phù hợp với lợi ích của tất cả các bên. Các cuộc thảo luận này chắc chắn đang được tiến hành. Giới quan sát dự đoán rằng loại tiền này có thể được giao dịch cho nhiều loại hàng hóa và hoạt động như một loại tiền kỹ thuật số cho thương mại giữa các quốc gia.

Sự trỗi dậy của BRICS sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ như thế nào?

Sự hội nhập không ngừng của BRICS, đặc biệt là khả năng tạo ra giải pháp thay thế đồng USD, có nguy cơ “hạ gục” Washington về sức mạnh kinh tế toàn cầu.

Giới chuyên gia nhận định nếu các thành viên BRICS có thể gạt bỏ những bất đồng sang một bên và hợp tác vì lợi ích của tất cả các thành viên, thì trật tự thế giới công bằng và toàn diện hơn có thể trở thành hiện thực.

Điều đó thể hiện rằng mục tiêu của BRICS không phải là gây thiệt hại hoặc hủy hoại Mỹ và các nước phương Tây khác về kinh tế hoặc chính trị. Thay vào đó, mục tiêu của BRICS chính là thay đổi trật tự thế giới từ đơn cực sang đa cực.