BRICS mở rộng, Tổng thống Putin kêu gọi 1 việc trong lĩnh vực được coi là huyết mạch kinh tế toàn cầu

Admin

Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi BRICS định hình vai trò trên thị trường của một lĩnh vực quan trọng trên thế giới.

Đó là thị trường dầu khí thế giới.

Theo Reuters , Nga, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai trên thế giới và có lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất, sẽ tiến hành tổ chức Diễn đàn Quốc tế Tuần lễ Năng lượng thường niên vào cuối tuần này, đồng thời dự kiến tổ chức cuộc họp của các Bộ trưởng Năng lượng BRICS.

Trong bức thư gửi những người tham dự cũng như khách mời của diễn đàn, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: " Rõ ràng là trong tình hình địa chính trị mới, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sẽ phục vụ cho mục đích củng cố nền kinh tế quốc gia và giúp giải quyết những vấn đề xã hội ưu tiên, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ".

Về cuộc họp sắp tới của các Bộ trưởng Năng lượng BRICS, Tổng thống Putin nhấn mạnh: " Điều quan trọng là phải thống nhất được những nguyên tắc chung cho các quốc gia của chúng ta trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và vạch ra những cách thức tăng cường vai trò của BRICS trong cuộc đối thoại về năng lượng toàn cầu ".

BRICS mở rộng, Tổng thống Putin kêu gọi 1 việc trong lĩnh vực được coi là huyết mạch kinh tế toàn cầu- Ảnh 1.

Các lãnh đạo của 5 quốc gia là thành viên đầu tiên của BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ảnh: Daily Trust

Theo Reuters , trước đây, Diễn đàn Quốc tế Tuần lễ Năng lượng có sự tham dự của các đại biểu từ Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Bộ Năng lượng Saudi Arabia không trả lời ngay lập tức câu hỏi về việc liệu Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng có tham dự sự kiện này hay không.

Trong khi đó, tuần trước, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Putin, cho biết sẽ cập nhật thông tin về những đại biểu tham gia diễn đàn vào một thời điểm thích hợp.

BRICS mở rộng, Tổng thống Putin kêu gọi 1 việc trong lĩnh vực được coi là huyết mạch kinh tế toàn cầu- Ảnh 2.

BRICS chiếm tới 42% trữ lượng dầu khí toàn cầu. Ảnh: AP

Hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến được tổ chức tại Kazan (Nga) từ ngày 22 – 24/10. Tại hội nghị thượng đỉnh, một số cuộc thảo luận quan trọng có liên quan đến thương mại và những thỏa thuận mới có thể được đưa ra. Ngoài ra, BRICS cũng có thể thảo luận về việc sử dụng rộng rãi các loại tiền tệ địa phương cho những giao dịch xuyên biên giới.

Trên thực tế, theo ông Sameep Shastri, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp BRICS, tỷ lệ sử dụng tiền tệ quốc gia trong các giao dịch những những thành viên của BRICS đang ngày càng tăng lên và đã vượt qua cả các đồng tiền chủ chốt trước đây.

Ông Sameep Shastri cũng đề cập đến vấn đề về đồng tiền chung BRICS, đồng thời cho rằng khối này đang tiến hành chậm. Tuy nhiên, khi các quốc gia đạt đến một mức độ ngang bằng về kinh tế nhất định thì đó cũng là lúc đồng tiền chung có thể ra đời.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp BRICS, nhận định, tăng trưởng kinh tế của Nga trong thời gian bị trừng phạt chứng minh rằng những quốc gia của BRICS không phụ thuộc vào phương Tây.

BRICS có thể trở thành khối lớn nhất thế giới

BRICS mở rộng, Tổng thống Putin kêu gọi 1 việc trong lĩnh vực được coi là huyết mạch kinh tế toàn cầu- Ảnh 3.

Nhiều quốc gia trên thế giới xin gia nhập BRICS. Ảnh: Reuters

BRICS bắt đầu được thành lập vào năm 2009, với 5 thành viên là các nền kinh tế mới nổi gồm Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đến đầu năm 2024, BRICS được mở rộng, với sự tham gia của những thành viên mới như Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Đáng chú ý, sau khi mở rộng, BRICS chiếm tới 42% trữ lượng dầu khí toàn cầu. Tính đến nay, có 23 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS trước hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay. Ngoài ra, còn có 24 quốc gia khác bày tỏ mong muốn BRICS một cách không chính thức. Vì vậy, tổng số quốc gia muốn gia nhập khối này lên tới 47. Điều này có thể đưa BRICS trở thành khối có số lượng quốc gia thành viên lớn nhất trên thế giới.

Về việc kết nạp thành viên mới, trong khi Trung Quốc và Nga muốn BRICS mở rộng, Ấn Độ lại là thành viên muốn tạm dừng việc cho phép các quốc gia mới gia nhập. Cụ thể, Ấn Độ đã ra tín hiệu về việc muốn tạm dừng việc kết nạp thêm các quốc gia mới vào BRICS trong tối thiểu 5 năm.

Bởi theo Ấn Độ, việc này tạo cho BRICS "không gian thở" và quyết định những chính sách phù hợp với tham vọng của khối. Tuy nhiên, việc quyết định mở rộng khối cần phải đợi và theo dõi diễn biến tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 sắp tới.

Bài tham khảo nguồn: Reuters, Sputnik, Business Times