Các chị em thuộc nhóm phụ nữ buồng trứng đa nang (PCOS) thường có khả năng bị quá kích buồng trứng khi sử dụng thuốc kích thích buồng trứng trong điều trị vô sinh. Quá kích buồng trứng tuy ít gặp nhưng có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Vì vậy, các chị em có buồng trứng đa nang (PCOS) vô cùng lo lắng khi phải tiêm mũi thuốc nội tiết tố để kích thích sự phát triển của các nang trứng khi làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ này, đồng thời rút ngắn chi phí, thời gian điều trị cho bệnh nhân, nhóm chuyên gia hệ thống hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức-IVFMD đã nghiên cứu và triển khai thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không cần kích thích buồng trứng với tên gọi là CAPA-IVM.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Y, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh là trưởng nhóm nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu cùng với các cộng sự tại Bệnh viện Mỹ Đức cho biết, IVM (nuôi noãn trưởng thành trong ống nghiệm) là kỹ thuật cải tiến từ phương pháp thụ tinh ống nghiệm cổ điển, hỗ trợ sinh sản hạn chế hoặc không sử dụng thuốc kích thích buồng trứng.
Xu hướng thụ tinh trong ống nghiệm không cần kích thích buồng trứng đã được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm và phát triển từ đầu thập niên 90, sau khi các nhà khoa học ở Hàn Quốc và Australia đã chứng minh việc thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách chọc hút trứng qua siêu âm từ buồng trứng các phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang là đơn giản, an toàn, dễ thực hiện và có thể lấy đủ trứng để làm thụ tinh trong ống nghiệm mà không cần phải kích thích buồng trứng.
Theo bác sĩ Lan, hiện nay, nhiều trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới đã tập trung nghiên cứu, phát triển và ứng dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không cần kích thích buồng trứng.
Đến nay, kỹ thuật IVM ngày càng được hoàn thiện, giúp cải thiện chất lượng trứng và phôi.
"Phác đồ mới CAPA-IVM là kết quả một công trình nghiên cứu hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ được IVFMD tiên phong ứng dụng. Phôi từ CAPA-IVM được chứng minh là có khả năng có thai gần tương đương với phôi lấy từ trứng sau kích thích buồng trứng. Kỹ thuật này đặc biệt hiệu quả ở những phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang", bác sĩ Lan cho biết.
Phân tích về độ an toàn của kỹ thuật này cho nhóm phụ nữ có buồng trứng đa nang, Phó Giáo sư Vương Ngọc Lan cho hay, CAPA-IVM không cần dùng thuốc hoặc dùng rất ít thuốc. CAPA-IVM giúp các chị em giảm đáng kể việc tiêm một lượng lớn thuốc nội tiết tố vào cơ thể loại trừ nguy cơ gây quá kích buồng trứng.
Trước đây, nhiều người cho rằng tỷ lệ có thai của IVM thấp hơn IVF nhưng theo bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, IVM tạo được trung bình hơn 4 phôi, IVF có thể tạo được trên 6 phôi. Nhưng các bác sĩ chỉ sử dụng 2 phôi để đặt vào cổ tử cung nên tỷ lệ có thai với mỗi lần chuyển phôi của hai kỹ thuật này là tương đương nhau.
Bên cạnh đó, kỹ thuật này tiêm ít thuốc hơn nên chi phí thấp hơn IVF, rút ngắn thời gian đi lại cho phụ nữ hiếm muộn, tiết kiệm chi phí đi lại. "Ở Việt Nam, chi phí cho các hormone sử dụng khi kích thích buồng trứng chiếm gần 50% chi phí điều trị thụ tinh trong ống nghiệm. Do vậy việc tiêm ít mũi thuốc sẽ giúp các chị em PCOS giảm đi gánh nặng về chi phí tiêm thuốc mà vẫn đạt hiệu quả tương đương IVF", bác sĩ Lan chia sẻ.
Hiện nay, IVFMD là đơn vị tại Việt Nam có thể thực hiện thường quy kỹ thuật IVM cải tiến với tỷ lệ thành công cao. Theo thống kê, cho đến thời điểm hiện tại, số ca IVM thành công tại hệ thống IVFMD là hơn 4.200 ca, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của việc áp dụng kỹ thuật cải tiến CAPA-IVM.
Hàng loạt các công bố khoa học quan trọng về hiệu quả của CAPA-IVM ở Việt Nam do các chuyên gia IVFMD thực hiện đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín (tạp chí Journal of Ovarian Research, tạp chí Human Reproduction), đồng thời được báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế.