Một ngày trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, các địa phương hoàn tất mọi khâu chuẩn bị. Tại Hà Nội, hơn 108.500 thí sinh đăng ký dự thi tại gần 200 điểm. Thành phố huy động khoảng 15.000 người coi thi cùng nhiều lực lượng khác như an ninh, thanh tra, thanh niên tình nguyện.
Là địa phương có nhiều thí sinh nhất, cảnh sát giao thông sẽ ứng trực 100% quân số, từ khi thí sinh đến làm thủ tục đến lúc làm xong bài thi cuối cùng.
Hà Nội cũng lên các phương án ứng phó với các tình huống bất thường liên quan đến thời tiết hay gian lận thi cử.
TP HCM năm nay có hơn 90.000 thí sinh tại hơn 160 điểm thi, hơn 15.900 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ.
Trước khi kỳ thi diễn ra một tuần, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị ở tất cả khâu. Sở cũng xây dựng các phương án, tình huống có thể xảy ra để chủ động xử lý từ đầu.
Để thuận lợi cho việc di chuyển của thí sinh, các điểm thi được phân bố đều ở tất cả quận, huyện. Riêng 24 học sinh lớp 12 ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, sẽ đi tàu vào đất liền dự thi.
Dự báo thời tiết cho thấy trong những ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông. Tại Lào Cai, mưa lớn xuất hiện từ hôm qua. Ngày 25/6, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các điểm thi đảm bảo an toàn cho thí sinh và cán bộ coi thi khi thời tiết bất thường.
Nhiều địa phương như thị xã Sa Pa, huyện Bảo Yên tập kết học sinh ở các xã về ăn, nghỉ tập trung, tổ chức bếp ăn chung để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chiều qua, các học sinh ở xa đã được đưa về địa điểm tập kết.
Với thí sinh không ở tập trung, các địa phương lập danh sách với số điện thoại, địa chỉ cụ thể để liên lạc khi cần thiết.
Tại Phú Thọ, các điểm thi bố trí chỗ ở trọ cho những thí sinh ở xa, đi lại khó khăn. Một số điểm thi bố trí đưa đón thí sinh nếu có mưa to, bão, lũ,... , đồng thời có phương án phòng, chống dịch bệnh.
Tại Kiên Giang, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi cũng sẵn sàng. Tỉnh này có thành phố đảo Phú Quốc cách xa đất liền nên Sở Giáo dục và Đào tạo vận chuyển đề thi ra đảo bằng tàu cao tốc.
Tương tự, Bình Thuận, Quảng Ngãi cũng dùng phương tiện này đưa đề thi và các cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi ra đảo Phú Quý, Lý Sơn.
Các tỉnh, thành cho biết đã hoàn thành việc rà soát các khâu chuẩn bị trước kỳ thi, trong đó chú trọng việc phòng chống gian lận thi cử, đảm bảo an toàn cho thí sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra vào ngày 26-28/6 với hơn 1,07 triệu thí sinh. Các em làm bốn bài thi, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội). Các môn thi đều dưới dạng trắc nghiệm, trừ Ngữ văn theo hình thức tự luận.
Đây là năm cuối cùng thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông cũ (chương trình 2006). Từ năm sau, số môn thi, đề thi... sẽ được thay đổi để phù hợp với chương trình mới (2018).
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết các địa phương đều có sự chuẩn bị từ sớm. Kiểm tra thực tế ở nhiều nơi, ông đánh giá các tỉnh, thành, nhà trường đã làm rất tốt khâu hỗ trợ thí sinh, như ôn tập, củng cố kiến thức, có phương án liên lạc, giúp đỡ nếu cần thiết.
Các Bộ, ngành cũng tham gia một số khâu của kỳ thi tốt nghiệp chu đáo. Ngành công an ngoài giúp đảm bảo an toàn giao thông, còn tổ chức các đợt tập huấn cán bộ coi thi nhằm nâng cao khả năng phát hiện gian lận thi cử, đặc biệt gian lận bằng thiết bị công nghệ cao.
Bộ Y tế cho biết đã sẵn sàng triển khai các kịch bản cứu hộ cứu nạn, cấp cứu thảm họa, kiểm soát dịch bệnh... Ngành điện lực bố trí người túc trực, đảm bảo không xảy ra sự cố điện trong kỳ thi.
"Có thể khẳng định công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng, sâu sát và toàn diện. Toàn quốc đã sẵn sàng để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế", Thứ trưởng Thưởng nói.