Các quốc gia Đông Nam Á đối phó với khủng hoảng gạo: Indonesia chuẩn bị 500.000 ha trồng lúa, Việt Nam tận dụng cơ hội xuất khẩu chưa từng có

Admin

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo cùng với tác động từ El Nino, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang phải đưa ra các biện pháp để giữ vững nguồn lương thực trong nước.

Theo tuyên bố của Văn phòng Báo chí, Truyền thông và Thông tin của Tổng thống (BPMI), Bộ trưởng Nông nghiệp Syahrul Yasin Limpo cho biết hôm thứ Tư (2/8) rằng, một số khu vực trong cả nước đã bày tỏ sự sẵn sàng chuẩn bị đất nông nghiệp để đảm bảo dự trữ gạo cho quốc gia.

“Tôi chắc chắn rằng nếu chúng ta có thể thành công với 500.000 ha, chúng ta có thể kiểm soát tốt tác động của El Nino”, ông cho biết và nói thêm rằng, cam kết chung từ chính quyền địa phương là một trong những bước quan trọng để chuẩn bị cho hiện tượng El Nino.

Đây không phải là dự án nông nghiệp đầy tham vọng đầu tiên của nước này. Theo Reuters, một dự án đã được khởi động vào năm 2020, dự kiến sẽ có diện tích 770.000 ha hoặc hơn 10 lần diện tích của Singapore. Dự án nhằm mục đích hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm.

Ngoài ra, ông Syahrul tuyên bố đã lập bản đồ những tác động tồi tệ nhất đối với lượng gạo dự trữ ở Indonesia trong thời kỳ El Nino đạt đỉnh từ tháng 8 đến tháng 9 năm nay.

“Chúng tôi đã dự đoán khoảng 300.000 - 1.200.000 tấn thiếu hụt sản xuất gạo”, ông cho biết.

Tuy nhiên, với việc tăng thêm 500.000 ha sản xuất lúa, ông lạc quan về khả năng kiểm soát tác động của El Nino đối với dự trữ lương thực quốc gia, đặc biệt là gạo.

“Mỗi tháng, thu hoạch 800.000 ha ruộng lúa sẽ đáp ứng đủ nhu cầu khoảng 2.000.000 tấn gạo của chúng tôi”, ông Syahrul cho biết.

Trong khi đó, với dự đoán về tình trạng thiếu lương thực do El Nino gây ra, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Zulkifli Hasan cho biết vào ngày 27/7 rằng, chính phủ đã phân bổ hơn 8.000 tỷ rupiah (526,8 triệu USD) hỗ trợ công để kiểm soát giá cả.

Giống như Indonesia, các quốc gia khác trong khu vực cũng đang nỗ lực đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.

Ở Malaysia, nông dân đang áp dụng các chiến lược như lắp đặt các tấm nhựa chống tia cực tím trên cây trồng để giảm thiểu tác động của năng suất cây trồng thấp hơn do nhiệt độ tăng cao.

Các quốc gia ở Đông Nam Á khác cũng đang chuẩn bị đối phó với nguy cơ khói mù xuyên biên giới cao hơn trong những tháng tới, điều gần như đã trở thành chuyện thường niên trong khu vực.

Tại Philippines, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr vào tháng 6 được cho là đã chỉ đạo tất cả các cơ quan chính phủ thực hiện các biện pháp bảo tồn nước trước đợt khô hạn kéo dài sắp xảy ra do El Nino.

Trong khi đó, tại Việt Nam, tận dụng thời cơ giá lúa gạo đang tăng cao, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết đã bố trí nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông ở ĐBSCL từ 650.000 lên 700.000 ha.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết sau khi kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại khu vực đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và ĐBSCL, đến thời điểm này có thể khẳng định sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt. Mục tiêu sản lượng trên 43 triệu tấn có thể đạt được. Dự kiến năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo. Việc đẩy mạnh xuất khẩu tại thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

"Đây là thời cơ để chúng ta xuất khẩu gạo, không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội", ông Cường nói, đồng thời cho biết thêm, hôm 31/7, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.