Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, mới đây Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại đây, nhiều đại biểu kiến nghị xem lại quy định về quản lý dạy thêm và đề xuất xem dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng và gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh.
Dạy thêm không có gì sai
Đánh giá về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Mạnh Tùng – Giáo viên Toán tại Hà Nội bày tỏ: “Dạy thêm, học thêm là nhu cầu bình thường và thực tế, bản thân nó không sai, không xấu, ở các nước đều có, thậm chí ở các nước châu Á có phần sôi động hơn”.
Ông Tùng cho rằng hiện nay, giáo dục phổ thông nhiều nơi, nhiều lúc chưa đáp ứng được các nhu cầu của người học dẫn đến cần phải học thêm, một ví dụ rõ ràng là môn Tiếng Anh. Việc thi và tuyển sinh của chúng ta còn rất căng thẳng, khó khăn và cạnh tranh cao, để đạt được nguyện vọng, học sinh đã phải học thêm, luyện thi, thậm chí từ mầm non, tiểu học.
Đối với đề xuất của Bộ GD&ĐT ông Tùng đồng tình cao, “để giảm các tiêu cực phát sinh thì cần có các quy định rõ ràng và quản lý chặt chẽ, nghiêm minh. Nếu dạy thêm là loại hình kinh doanh có điều kiện thì việc thẩm định, cấp phép và giám sát, đánh giá sẽ hiệu quả hơn. Từ đó, các giáo viên, các nhà trường sẽ nghiêm túc thực hiện hơn so với hiện nay, bởi vi phạm thì chế tài xử lý sẽ mạnh hơn như phạt tiền, rút giấy phép,…”, ông Trần Mạnh Tùng đánh giá.
Tuy nhiên, nhìn lại chính sách thời gian qua về vấn đề này, ông Tùng cho hay trước 2019, các Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm thẩm định, cấp phép dạy thêm các trung tâm bồi dưỡng văn hoá, trung tâm ngoại ngữ, tin học,..
“Từ năm 2019, một số điều của Thông tư 17 không còn hiệu lực, các Sở GD&ĐT tạm dừng gia hạn, dừng cấp phép mới cho việc dạy thêm dẫn đến việc quản lý dạy thêm, học thêm bị bỏ lửng.
Cũng từ năm này, Bộ GD&ĐT đã đề xuất đưa dịch loại hình dạy thêm vào danh mục “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” nhưng tới nay vẫn chưa được thông qua”, ông Trần Mạnh Tùng bày tỏ.
Hiện nay, các mặt trái của dạy thêm, học thêm có ở khắp mọi nơi, tạo ra nhiều hệ lụy, khó khăn, áp lực cho xã hội. Ông Tùng phân tích thêm: “Thông tư 17 đã sửa đổi cũng không còn phù hợp. Trước khi dạy thêm được đưa vào thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cũng nên có quy định giáo viên không được dạy thêm học sinh mà mình dạy chính khóa. Chỉ cần có quy định này thì hầu hết các tiêu cực của dạy thêm hiện nay sẽ được loại trừ”.
Về giải pháp trước mắt để dạy thêm, học thêm không tràn lan như hiện nay, ông Trần Mạnh Tùng cho rằng cần có các quy định rõ ràng, khả thi.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục đề nghị để sớm hiện thực hóa quy định dạy thêm là loại hình kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, cần có các văn bản hướng dẫn về mặt chuyên môn theo ngành dọc.
“Cần phân cấp, phân quyền quản lý, giám sát việc dạy thêm một cách hiệu quả, có trách nhiệm. Tuyên truyền để giáo viên, phụ huynh và xã hội hiểu rõ các quy định. Đặc biệt phụ huynh cần biết khi nào thì con em mình cần học thêm và học như thế nào”, thầy giáo chia sẻ.
Cùng với đó việc đổi mới chương trình; đổi mới dạy, học theo hướng tiếp cận năng lực người học; thay đổi cách thi cử theo hướng giảm áp lực, giảm căng thẳng, tạo thêm các hệ sinh thái để tăng cường việc tự học, tự giáo dục là những giải pháp cần thiết để hạn chế hoạt động này.
Không để cơ hội biến tướng dạy thêm
Cũng bày tỏ quan điểm đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là phù hợp bởi khi quản lý bằng pháp luật sẽ hạn chế những bất cập hiện nay. TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng dạy thêm, học thêm hiện nay đang có hai điều cần phải giải quyết.
Thứ nhất, việc học thêm tràn lan, học sinh phải học ngày, học đêm khiến ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của các em học sinh.
“Ở các nước thì cấp 1, cấp 2 họ để cho học sinh học hành khá thoải mái, đến cấp 3 mới “căng thẳng” hơn một chút, còn vào đại học là học cho ra học. Nhưng ở ta thì lại ngược lại. Cấp 1, cấp 2 học như kiểu “chạy marathon”, đến đại học thì lại học thong thả, vui chơi. Như vậy là không đúng với quy luật phát triển của con người”, ông Tùng Lâm bày tỏ.
Cùng với đó, việc học thêm chỉ để phục vụ cho điểm số, chạy theo thi cử, chạy theo bằng cấp, bệnh thành tích so sánh người này với người kia chứ không vì bản chất của kiến thức.
Vấn đề thứ hai, dạy thêm và học thêm phải do nhu cầu thực tế. Ông Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: “Đó là những học sinh yếu kém cần có người dạy thêm để giúp đỡ. Hoặc học sinh giỏi đi theo khuynh hướng muốn phát triển thêm bản thân, muốn học thêm nâng cao kiến thức, hay các học sinh đi thi học sinh giỏi cần được dạy thêm, bổ trợ thêm để đi thi thì đó là cái cần ủng hộ”.
Theo chuyên gia cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm là không đúng với quy luật kinh tế thị trường. Tức là có cung phải có cầu. Nếu người học có nhu cầu, cần giúp đỡ thì phải đáp ứng yêu cầu của người học.
Làm sao phải tránh được những biến tướng khi một số giáo viên lợi dụng “ép buộc” học sinh phải học thêm, khiến các bậc phụ huynh cũng phải “chạy” theo.
“Chúng ta phải hiểu rõ rằng không ai cấm việc dạy thêm, mà là cấm việc dạy thêm tràn lan, vô lối. Tức là chúng ta chống cái tiêu cực thôi. Còn quyền của người học là được học, họ cần học thì phải được học.
Có người cần học thì phải có người dạy. Chúng ta cấm cái tràn lan, liên tục, có hại cho trẻ, chứ không cấm dạy cho các em học sinh yếu kém, hay bổ trợ thêm kiến thức cho các em học sinh giỏi để các em đi thi”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay.