Cân đối giữa hai hệ thống ngành giáo dục mới “bay cao”

Admin

Theo TS.Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Nhà nước phải kiên trì chủ trương xã hội hóa giáo dục để đảm bảo nhu cầu học tậ

Hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập đang phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức và đóng góp không nhỏ cho đảm bảo sự công bằng tiếp cận giáo dục bậc cao ở nước ta. Nhờ có các trường đại học tư mà các em học sinh được tiếp cận đào tạo đại học từ đó tham gia vào lực lượng lao động chấtcao sau khi ra trường.

Trước vai trò trên, TS.Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng cần phải có những chính sách phù hợp đối với khu vực giáo dục đại học ngoài công lập nhất là các trường đại học phát triển không vì lợi nhuận.

Cánh tay nối dài của giáo dục công lập

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Lê Viết Khuyến đánh giá có một thực tế rất rõ ràng là ngay cả ở những nước giàu có, Nhà nước cũng không thể đầu tư tối đa vào giáo dục, ở mọi cấp độ, để thỏa mãn nhu cầu học tập của người dân.

Do đó, cần có sự chia sẻ chi phí từ phía xã hội, kinh nghiệm thế giới cũng như thực tế Việt nam hiện nay đòi hỏi Nhà nước phải kiên trì chủ trương xã hội hóa giáo dục. Đối với giáo dục đại học, thông qua hai giải pháp tự chủ hóa tối đa về mặt tài chính đối với hệ thống trường công lập hiện tại và mở rộng quy mô hệ thống trường ngoài công lập.

“Trong điều kiện cụ thể nước ta, chúng ta nên có quan điểm xem giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập giống như hai chiếc cánh của hệ thống giáo dục quốc dân. Cả hai cánh đều phải khỏe, cân đối thì giáo dục Việt Nam mới có thể bay cao, bay xa”, ông Lê Viết Khuyến bày tỏ.

Giáo dục - Cân đối giữa hai hệ thống ngành giáo dục mới “bay cao”

TS.Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Cùng với đó, khi ra đời các trường ngoài công lập, không chỉ mục đích xã hội hoá. Chuyên gia cho rằng thành lập các trường tư nhằm đối trọng về chất lượng đào tạo trong hệ thống và rõ ràng thấy được trong các bảng xếp hạng của thế giới trường tư thường xếp hạng cao hơn trường công.

TS.Lê Viết Khuyến nhận định: “Tuy nhiên, các chính sách ban hành nói chung còn thiếu, thậm chí còn mâu thuẫn. Để huy động được đông đảo người dân tham gia, người dân mong đợi một hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định và minh bạch”.

Ví dụ ở đây là quan niệm trường dân lập đã bị thay đổi đến 3 lần (ở các Quyết định 196 của Bộ GD&ĐT, Quy chế 86 của Thủ tướng và ở Luật Giáo dục 2005). Tính chất sở hữu của trường dân lập khi thành lập được xác định theo văn bản này nhưng khi chuyển loại hình sau đó lại phải xác lập lại theo một văn bản khác.

Một ví dụ khác chuyên gia chỉ ra Nghị quyết 05 khẳng định Nhà nước chấp nhận cả 2 loại hình trường tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trong đó khuyến khích trường không vì lợi nhuận.

“Nhưng, trong hơn 10 năm Nhà nước chỉ ban hành quy chế cho loại trường vì lợi nhuận, đến nỗi cho tới nay ở Việt Nam vẫn chưa hề có một trường tư thục không vì lợi nhuận đích thực nào. Ngoài ra các trường ngoài công lập cũng rất lo ngại về “chính sách mở trên khép dưới” dẫn tới kết cục là chỉ cần một câu trong văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT là đã vô hiệu hoá hoàn toàn quyền tự chủ của các trường đã được định chế ở những văn bản cấp cao hơn”, ông Khuyến đánh giá.

Giải pháp cho vấn đề này, đại diện Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Để khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc phát triển giáo dục ngoài công lập, Nhà nước cần đưa ra những tiêu chí thực tế hơn, chí ít là cũng giống với các trường công lập mới được thành lập. Những tiêu chí đáng lẽ cần ưu tiên quan tâm ngay từ đầu  là chất lượng cao (thông qua kết quả giám sát, kiểm định) và sự minh bạch về tài chính”.

Đối với vấn đề đất đai, cơ sở hạ tầng và thuế, “đây là vấn đề khó nhưng để có sự tham gia tích cực của người dân (góp tiền bạc, của cải) thì Nhà nước cũng nên có phần góp của mình (dưới dạng cho mượn đất hoặc  cho thuê đất với giá ưu đãi) và giảm thuế cho các trường ngoài công lập. Nếu công việc này không thể thực hiện cho tất cả các trường ngoài công lập thì trước hết Nhà nước nên áp dụng ngay cho các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận”, ông Lê Viết Khuyến đưa ra giải pháp.

Tiến tới giáo dục không vì lợi nhuận

Chuyên ra cũng cho rằng cần làm rõ, hiểu đúng và đẩy mạnh phát triển hình thức đại học tự thục không vì lợi nhuận.

Theo đó, Điều lệ trường đại cần được điều chỉnh theo các định hướng cả hai loại hình trường đại học tư thục (vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận) đều do các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân (gọi tắt là các thành phần góp vốn) đứng tên xin thành lập, cùng góp vốn xây dựng cơ sở vật chất, đều được đảm bảo kinh phí hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

Giáo dục - Cân đối giữa hai hệ thống ngành giáo dục mới “bay cao” (Hình 2).

Cần tạo hành lang pháp lý cho giáo dục đại học (Ảnh: Trọng Tùng).

Ông Lê Viết Khuyến giải thích sự khác biệt giữa hai loại hình trường này, không phải chỉ ở chỗ nhà đầu tư được hưởng lợi tức nhiều hay ít như đã giải thích ở Luật Giáo dục Đại học mà chủ yếu ở “bản chất” sở hữu của nhà trường.

“Ở các trường tư thục vì lợi nhuận, sau khi thành lập trường, các cổ đông lớn trực tiếp nắm quyền quản trị trường; còn ở các trường tư thục không vì lợi nhuận các nhà góp vốn sau khi hoàn thành nghĩa vụ đứng tên thành lập và xây dựng cơ sở vật chất của trường, phải tự nguyện chấp nhận chuyển quyền quản trị của mình cho các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội”, ông Khuyến bày tỏ.

Hồng Bích