Cân nhắc thu phí vỉa hè

Admin

Lòng đường, vỉa hè bị chiếm dụng làm quán ăn, hàng nước, chỗ để xe… đã trở thành nỗi bức xúc thường xuyên của người dân đô thị. Nhưng vì sao hết năm này qua năm khác, việc lấn chiếm vỉa hè không được chấn chỉnh triệt để? Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chính yếu là bởi lòng đường, vỉa hè đã trở thành nơi mưu sinh của hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người dân nghèo, không hoặc chưa có việc làm ổn định.

1-5795-1678329309.jpeg
(Ảnh minh hoạ: THÀNH ĐẠT)

Nghiên cứu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực kinh tế phi chính thức (bao gồm cả kinh tế vỉa hè) thu hút 11 triệu lao động trong tổng số 46 triệu lao động cả nước (tương đương 24%). Ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ người lao động sống "bám" vào vỉa hè lại rất lớn. Cấm kinh doanh vỉa hè thì những người lao động này sẽ đi đâu, về đâu?

Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương mạnh mẽ dẹp nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Đây cũng là địa phương thí điểm đưa 100 hộ dân có hộ khẩu thường trú đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè vào buôn bán tại các phố được quy hoạch bán hàng rong.

Thế nhưng sau 5 năm triển khai, chủ trương này không đem lại nhiều hiệu quả. Số hộ dân được chính quyền hỗ trợ như "muối bỏ bể", vỉa hè tiếp tục bị chiếm dụng dù các biện pháp cứng rắn và mềm dẻo đã được chính quyền quận thực thi.

Đề án thu phí vỉa hè mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến là chủ trương được nhiều người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng cần có các giải pháp để bảo đảm quản lý chặt, nghiêm, đúng nền nếp, bảo đảm sự công bằng, minh bạch. Cần quy hoạch lại vỉa hè để trả lời câu hỏi: Cụ thể có bao nhiêu vỉa hè trên các tuyến đường được kinh doanh? Kinh doanh vào khung giờ nào? Ô thửa kinh doanh là bao nhiêu? Tiêu chuẩn, đối tượng được thuê vỉa hè? Khi đã minh bạch thông tin thì phải có chế tài để xử lý thích đáng trường hợp vi phạm? Tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm cụ thể ra sao nếu vỉa hè tiếp tục bị lấn chiếm…

Ngoài những điều kiện nêu trên, một kiến trúc sư hiến kế: Thành phố Hồ Chí Minh nên xem xét bố trí không gian sử dụng vỉa hè dưới dạng các vạch sơn có gắn mã QR để tiện theo dõi người vi phạm. Người thuê scan mã QR để đóng tiền. Người đi đường cũng có thể chụp lại và báo cáo qua ứng dụng trên điện thoại nếu thấy người thuê lấn chiếm không gian.

Việc thu phí qua ví điện tử không chỉ tạo tiện lợi cho người dân mà còn tránh tình trạng thất thoát trong quá trình thực hiện. Việc thu phí có thể bắt đầu thí điểm ở khu vực trung tâm Quận 1, Quận 3 và các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng, sau đó hiệu quả sẽ tiến hành rộng ra…

Với cách làm khoa học, áp dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát vỉa hè không chỉ giúp bộ mặt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh văn minh hơn, giảm tỷ lệ người lao động bị mất việc, bớt gánh nặng cho bộ máy công quyền địa phương trong quản lý vỉa hè.

Về mặt kinh tế, theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, với khoảng 21,6 triệu m² diện tích vỉa hè; nếu chỉ sử dụng 30% diện tích, tức gần 6,5 triệu m², và thu phí 50.000 đồng/m²/tháng, thì thành phố sẽ thu được hơn 3.200 tỷ đồng/năm (ước lượng thu trong 10 tháng).

Với hiệu quả kinh tế như vậy, việc xem xét thu phí vỉa hè để góp phần quản lý được một phần ba khu vực kinh tế vốn đang phi chính thức, vừa tạo thêm nguồn thu không nhỏ cho ngân sách; từng bước tái lập trật tự đô thị, rất đáng được cân nhắc. Đồng thời, nếu làm tốt, sẽ giúp một bộ phận dân nghèo có công ăn việc làm ổn định từ kinh tế vỉa hè.