Phát biểu tại Bộ Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 sáng 14/12, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết 29 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước về giáo dục đào tạo. Trong bối cảnh mới hiện nay, ngành giáo dục đào tạo cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Về giáo dục mầm non cần xác định rõ về phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ cập trẻ 5 tuổi. Khắc phục các khó khăn về giáo viên và cơ sở vật chất. Tiếp tục đầu tư mở rộng trường mầm non công lập dù nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế; tăng năng lực chuyên môn cũng như thu nhập cho giáo viên.
Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng chính sách để phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là nhóm trẻ độc lập; nâng cao kỹ năng chăm sóc trẻ và rất cần sự đồng hành từ chính quyền các địa phương.
Đối với giáo dục phổ thông việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa mới đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cần tiếp tục giải quyết vấn đề thừa - thiếu giáo viên, bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên để đáp ứng chương trình mới.
Có các giải pháp để bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đầu tư cho các cơ sở giáo dục, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đổi mới phương pháp thi, kiểm tra đánh giá theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Về giáo dục đại học, ông Nguyễn Đắc Vinh lưu ý cần được đầu tư bài bản, nghiêm túc có chất lượng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cần tạo được đột phá, nâng cao chất lượng, cơ cấu ngành nghề hợp lý; quy mô gắn với chất lượng. Đặc biệt cần hoàn thiện thể chế về tự chủ đại học; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng kiến nghị giáo dục đại học cần tăng cường chất lượng nghiên cứu khoa học, đầu tư cơ sở vật chất cho một số trường để phục vụ hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.
Tập trung đảm bảo chất lượng đào tạo nghề, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, có chính sách hỗ trợ đầu tư cho giáo dục dạy nghề.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho ngành giáo dục phát triển nhanh hơn. Thời đại chuyển đổi số hiện nay sẽ tạo ra những yêu cầu mới, trong kết luận cần chú ý tới các quan điểm về mặt giải pháp.
Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Dù đất nước còn nhiều khó khăn, ngành giáo dục cần được ưu tiên đầu tư hơn nữa.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng nhấn mạnh, nếu giải quyết tốt vấn đề văn hóa học đường sẽ góp phần tạo ra môi trường học đường lành mạnh, từ đó tạo ra những thế hệ học sinh, sinh viên chất lượng, giúp phát triển giáo dục đào tạo.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn trân trọng đến các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đại biểu tham dự quan tâm đến một công việc rất lớn của ngành.
Bộ GD&ĐT đã báo cáo tóm tắt quá trình tổng kết và các ý kiến phát biểu trao đổi. Các ý kiến đều thống nhất khẳng định, giáo dục - đào tạo trong 10 năm qua đã có những đổi mới rất to lớn, chuyển biến tích cực.
Ngoài ra, nhiều đại biểu đưa gợi ý, nêu thêm một số nội dung đáng chú ý, Ban tổ chức sẽ tiếp thu các ý kiến này, nghiên cứu đưa vào hoàn thiện dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW.
Khẳng định ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Nghị quyết 29, Bộ trưởng nhấn mạnh cần kiên định, nhất quán với định hướng đổi mới. Đồng thời phân tích những khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới - những vấn đề Nghị quyết 29 chưa có điều kiện đề cập nhiều. Từ đó đề xuất trong kết luận của Bộ Chính trị một số việc để có thể tăng cường thích ứng, xử lý, vượt qua được thách thức.
Trong phát biểu, Bộ trưởng đồng thời chia sẻ một số điểm cần phải đề cập đến trong dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị. Trong đó xoay quanh 3 vấn đề đề chính: nhận thức, thể chế và nguồn lực.