Trưa 11/5, Quỹ Toàn cầu tổ chức một sự kiện bên lề về vai trò quan trọng của chiến dịch Không phát hiện = Không lây truyền (K=K) trong việc chấm dứt đại dịch AIDS với sự tham gia của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế, đại diện cộng đồng người nhiễm HIV.
K=K giúp giảm hàng nghìn người tử vong do AIDS
17 năm sống chung với HIV, anh Nguyễn Anh Phong tự tin nói giờ anh có thể chia sẻ với mọi người về tình trạng nhiễm H của mình. “Kể từ khi có chiến dịch K=K, chúng tôi mạnh dạn bước ra ánh sáng”, anh Phong nói.
Đại diện cho Mạng lưới người sống chung với HIV, anh Phong kể, nếu như trước đây, mỗi khi nhận xét kết quả xét nghiệm, người mang H hay hỏi: “Khi nào chúng tôi chết?”. Nhưng từ sau năm 2017, kể từ khi chiến dịch K=K được triển khai trong cộng đồng và người nhiễm HIV tin tưởng tuân thủ điều trị, câu hỏi mà mọi người quan tâm nhất là: “Khi nào tôi đạt được K=K?”.
Với anh Phong cũng như hàng nghìn người mang H, từ sự hồ nghi ban đầu, giờ với họ K=K là ánh sáng, là động lực để họ tuân thủ điều trị, yên tâm điều trị, để sống tiếp cuộc sống khỏe mạnh, lập gia đình.
“Sau thời gian ban đầu còn chưa tin tưởng, với sự vận động của các bác sĩ, các tổ chức quốc tế, chúng tôi đã có niềm tin vào chiến dịch K=K. Chúng tôi kêu gọi các cặp vợ chồng sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình khi tham gia vào chương trình K=K. Với người nhiễm HIV, thông điệp K=K là động lực để họ tiếp tục điều trị, có được cuộc sống hoàn toàn khác trước như họ tự tin lập gia đình, sinh con mà không lây nhiễm cho gia đình”, anh Phong nói.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, ngay từ năm 2017, khi thông điệp này được phổ biến tại Hội nghị quốc tế về AIDS tại Hà Lan, Việt Nam cũng đã ủng hộ và tổ chức tuyên truyền cho thông điệp này và triển khai Chiến dịch dịch K=K cho tất cả 63 tỉnh, thành phố.
Nhờ thành công của chiến dịch này, tỷ lệ điều trị ARV tại Việt Nam đạt kết quả rất tốt. Đến nay, tải lượng virus HIV tại Việt Nam dưới ngưỡng ức chế (<1000 copy/ml máu) đạt 96%, dưới ngưỡng phát hiện (<200 copy/ml máu) đạt 94%.
“Việt Nam được Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ thông báo là nước đạt tỷ lệ rất cao trên thế giới, cao nhất trong các nước mà PEPFAR đang hỗ trợ”, bà Hương cho hay.
Để đạt được kết quả, theo bà Hương, Việt Nam đã làm tốt công tác truyền thông tư vấn tốt nên bệnh nhân hiểu lợi ích điều trị sớm, lợi ích của duy trì và tuân thủ điều trị.
Việt Nam liên tục cập nhật các phác đồ điều trị theo khuyến cáo của các tổ chức thế giới nên bệnh nhân được hưởng các loại thuốc và phác đồ tốt nhất theo khuyến cáo Tổ chức Y tế thế giới.
Đặc biệt, Việt Nam có mạng lưới điều trị rộng khắp ở tất cả các tỉnh, thành phố, với hơn gần 500 điểm cấp phát thuốc tại xã, phường nên bệnh nhân tiếp cận và duy trì điều trị dễ dàng. Việt Nam cũng có nhiều mô hình và sáng kiến được triển khai như: Điều trị 2.0; Mở rộng điều trị trong ngày; cấp phát thuốc nhiều tháng... cũng là tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận và tuân thủ điều trị.
“Nếu người nhiễm HIV tuân thủ điều trị, tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ không còn nguy cơ lây nhiễm HIV. Đến nay, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có chất lượng điều trị tốt nhất. Chính những người tuân thủ điều trị K=K đã giúp cho việc giảm tỷ lệ tử vong do HIV từ 10 nghìn người/năm những năm trước đây xuống 2 nghìn người/mỗi năm. Chúng tôi hy vọng con số này càng ngày càng nhỏ đi nữa giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh hạnh phúc với gia đình của mình”, bà Hương chia sẻ.
Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông về thông điệp K=K
Tại sự kiện, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ vui mừng trước những kết quả phòng, chống HIV/AIDS mà Việt Nam đã đạt được trong 32 năm qua với sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Liên Hương cho hay, để duy trì chất lượng điều trị HIV/AIDS, K=K, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về K=K và tình trạng trung tính HIV, điều trị là dự phòng.
Đồng thời, ngành y tế sẽ cải tiến công tác xét nghiệm HIV theo hướng thuận lợi cho những người có hành vi nguy cơ cao với các mô hình khác nhau như xét nghiệm tại cộng đồng, qua trang web, tự xét nghiệm để phát hiện sớm nhiễm HIV và được điều trị ARV sớm, hỗ trợ tuân thủ điều trị để bệnh nhân sớm đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.
Việt Nam áp dụng những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới trong việc tổ chức hệ thống xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS và theo dõi kết quả điều trị.
Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông về hiệu quả của điều trị HIV/AIDS để người có hành vi nguy cơ dễ lây nhiễm tiếp cận sớm với các dịch vụ xét nghiệm, điều trị để cán bộ y tế, người thân, gia đình và cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cũng phải tự vươn lên, vượt qua khó khăn, rào cản, không tự kỳ thị chính mình. Quan trọng nhất của thông điệp chính là giảm đi sự kỳ thị của cộng đồng với những người nhiễm HIV.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, giúp Việt Nam tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai chiến dịch K=K rộng rãi trong cộng đồng.
“K=K là một thông điệp dựa trên bằng chứng khoa học nên cần được lan tỏa rộng rãi hơn nữa để mọi người hiểu được lợi ích của việc điều trị ARV, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Đó cũng là giải pháp để thực hiện mục tiêu “Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030”, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ.
K=K là một can thiệp và phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng quan trọng trong Ghi chú thông tin về HIV năm 2022 của Quỹ Toàn cầu, một trong 22 chương trình thiết yếu quan trọng để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng đặt ra trong Chiến lược Quỹ Toàn cầu 2023-2028.
Sự kiện này là cơ hội để Quỹ Toàn cầu thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc hỗ trợ lan tỏa chiến dịch K=K và huy động thêm hỗ trợ cho các quốc gia thành viên ký kết lời kêu gọi hành động đa phương K=K và tích hợp K=K như một công cụ chính sách công bằng y tế vào các chiến lược y tế và HIV của mỗi quốc gia.