Cho phép chuyển nhượng vốn góp có làm mất đi bản chất của hợp tác xã?

Vũ Xuân Kiên

Hai phương án về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã là nội dung được các đại biểu quan tâm và cho ý kiến nhiều nhất tại phiên thảo luận chiều nay của Quốc hội.

Chiều nay, 25/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Các vấn đề về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, quy định về chuyển nhượng vốn góp là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến nhiều nhất.

vnp-3112-nong-nghiep-1685063509.jpeg

Ảnh minh hoạ: Lê Minh Sơn/Vietnam+

 

Cần cụ thể chính sách hỗ trợ về vốn đất

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã thể chế hóa chính sách phát triển hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW của Đảng, theo đó dự thảo đã hoàn thiện các quy định, các chính sách về đất đai, tiếp cận vốn, bảo hiểm, thuế, phí, lệ phí; trong đó đã có bổ sung Điều 28 về chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn cho rằng cần phải nêu cụ thể, chi tiết hơn về những chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong luật.

Đánh giá cao điều khoản chính sách trong luật dành riêng cho hợp tác xã nông nghiệp, tuy nhiên ông Mai Văn Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng nên quy định thêm cơ chế để giúp hợp tác xã nông nghiệp tích tụ tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi chế biến, phân phối sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP.

Tham gia phát biểu ý kiến về chính sách của nhà nước với hợp tác xã, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị quy định rõ ràng, rành mạch, ngoài có chế độ, chính sách ưu tiên cho hợp tác xã vừa và nhỏ, cần có những ưu tiên, ưu đãi đặc biệt cho các hợp tác xã nông nghiệp, do loại hình này khó tiếp cận được nguồn lực về vốn, về đất đai. 

Theo đại biểu Phạm Thanh Hòa, hợp tác xã nông nghiệp hiện nay nhiều nhưng số “ăn nên làm ra" còn ít, nhiều hợp tác xã hoạt động cầm chừng, yếu ớt, “suy dinh dưỡng." Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tạo điều kiện tiếp cận đất và vốn cho hợp tác xã nông nghiệp phát triển.

ttxvnhoa-1685063509.jpg

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

 

Cũng nhấn mạnh cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số chính sách, trước hết là chính sách về đất đai, đại biểu Nguyễn Văn Thi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang chỉ ra rằng đây cũng là một trong những điểm khó khăn của các hợp tác xã hiện nay. Đại biểu đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định được ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất xây dựng trụ sở làm việc và hạ tầng, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, như xây dựng nhà kho, nhà xưởng, cơ sở sản xuất…

Về chính sách tiếp cận vốn, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa góp ý Chính phủ cần quy định chi tiết về điều kiện để tổ hợp tác xã, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thụ hưởng chính sách tiếp cận vốn. 

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, hiện nay chỉ khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của quỹ trung ương, địa phương; 0,5% số đơn vị hợp tác xã tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng. Do đó, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng cần phải có quy định rõ ràng về điều kiện thụ hưởng chính sách như thủ tục và điều kiện vay tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất có thể.

Đại biểu Hà Sỹ Huân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cũng cho rằng các chính sách được quy định trong dự thảo luật chưa thể hiện được sự khác biệt, ưu tiên cho tổ hợp tác và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã so với các loại hình doanh nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định về chính sách ưu đãi đặc biệt hơn để tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã.

Ý kiến trái chiều về chuyển nhượng vốn

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đưa ra 2 phương án về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã. Theo đó, phương án 1 là ý kiến của Chính phủ, đề nghị quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên. Phương án 2 là ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó đề nghị không quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà chỉ quy định về trả lại phần vốn góp khi chấm dứt tư cách thành viên, ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

Hai phương án về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã là nội dung được các đại biểu quan tâm và cho ý kiến nhiều nhất tại phiên thảo luận chiều nay của Quốc hội.

ttxvnchidung-1685063509.jpg

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

 

Theo các đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án 2, bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là đối nhân không phải đối vốn, là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó. việc không đặt ra vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp là để tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, “doanh nghiệp hóa hợp tác xã,” hạn chế tình trạng thâu tóm, chi phối của một số cá nhân, tổ chức.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng nên quy định việc trả lại phần đóng góp cho thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên ra khỏi hợp tác xã, không nên quy định việc chuyển nhượng, góp vốn của các thành viên trong hợp tác xã và phương án 2 là phương án phù hợp.

Đại biểu Hà Hồng Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cũng thống nhất việc không quy định về việc chuyển nhượng phần vốn góp thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà chỉ quy định chỉ trả lại phần vốn khi chấm dứt tư cách thành viên, ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã… Đại biểu Hà Hồng Hạnh cho răng fnếu cho phép chuyển nhượng làm mất đi bản chất hợp tác xã và làm cho các hợp tác xã hoạt động như công ty cổ phần.

Một số đại biểu lại bày tỏ sự đồng tình với phương án 1 do Chính phủ đưa ra để Việc này để bảo đảm quyền hợp pháp về tài sản được Hiến pháp quy định. đảo đảm nguyên tắc mở về thành viên tham gia hoặc rút khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, bảo đảm sự ổn định cho hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi có thành viên muốn rút một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp, nhất là đối với vốn góp bằng đất đai, tài sản lớn.

Đại biểu Mai Văn Hải bày tỏ thống nhất với phương án 1. Theo đó, ngoài việc ưu tiên cho thành viên hợp tác xã nhận chuyển nhượng, có thể quy định nếu thành viên hợp tác xã không nhận chuyển nhượng có thể là quy định cho thành viên chuyển nhượng ra ngoài. Đại biểu cho rằng đây cũng là một điều kiện để cho hợp tác xã nâng cao chất lượng thành viên của hợp tác xã.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội  tỉnh Trà Vinh cũng cho rằng quy định về việc chuyển nhượng vốn góp là phù hợp với điều kiện ngày càng phát triển của nền kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng, quyền tự do của các thành viên hợp tác xã. Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ cho cả bên bán và bên mua đều đồng ý chuyển nhượng nhưng phải bảo đảm tôn chỉ nguyên tắc, bản chất hoạt động của hợp tác xã.

Tiếp thu, làm rõ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết về vốn góp của các thành viên hợp tác xã, qua nghiên cứu các ý kiến, Chính phủ trình Quốc hội theo phương án 1 để bảo đảm quyền tự do, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, bảo đảm nguyên tắc mở trong tham gia, rút khỏi hợp tác xã như thông lệ quốc tế, tránh tình trạng thành viên góp bằng đất đai, nhà xưởng khi rút ra thì ảnh hưởng đến hoạt động và sự tồn tại của cả hợp tác xã.

Để tránh làm sai lệch bản chất mô hình hợp tác xã, dự thảo đã quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa của các thành viên, các thành viên cũng phải tôn trọng các nguyên tắc, chấp hành những tôn chỉ của hợp tác xã. Đối với trường hợp có thể dẫn đến chi phối, thâu tóm hợp tác xã, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế thêm điều khoản ngăn chặn trường hợp này. Với những quy định chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ kiến nghị các đại biểu Quốc hội đồng thuận theo phương án 1.

Về tổ chức thực hiện, để nhanh chóng đưa chính sách của luật vào cuộc sống, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị những nội dung nghị định, thời gian tới mong các đại biểu Quốc hội tiếp tục đồng hành để các văn bản quy phạm pháp luật này được chặt chẽ, khả thi./.