Chủ tịch Quốc hội: Cần ban hành sách giáo khoa của Bộ Giáo dục

Admin

Chủ tịch Quốc hội cho rằng xã hội hóa giáo dục vẫn phải bảo đảm nhà nước giữ vai trò chủ đạo, vì vậy cần thiết ban hành sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của nhà nước.

Đoàn giám sát cũng nhận định việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được bộ sách giáo khoa của nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước; nguy cơ gây rủi ro trong trường hợp không có sách giáo khoa hoặc sách giáo khoa không bảo đảm chất lượng, yêu cầu.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết 122 năm 2020, Quốc hội quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã có ít nhất một bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước nữa.

Việc này đang gây ra vướng mắc trong việc cần thiết hay không biên soạn bộ sách riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chiều 14/8. Ảnh: Hoàng Phong

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chiều 14/8. Ảnh: Hoàng Phong

Tại phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này chiều 14/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng, tuy nhiên cần hiểu đúng về Nghị quyết 88.

Nghị quyết này nêu rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ.

Xã hội hóa nhưng vẫn phải bảo đảm nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Nghị quyết 88 là biên soạn bộ sách giáo khoa của nhà nước.

"Nghị quyết 122 để giải quyết tình thế những bộ sách thị trường có rồi, mà ngân sách chưa đáp ứng được thì chấp nhận chưa biên soạn. Nghị quyết 122 không phủ nhận, không thay thế cho Nghị quyết 88", ông Huệ khẳng định. Trong quá trình thực hiện, nếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần điều chỉnh lại Nghị quyết 88 thì cần báo cáo lại Quốc hội.

Phát biểu trước đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội "hết sức cân nhắc" và đề nghị bỏ điều này khỏi dự thảo nghị quyết.

Ông Sơn thừa nhận đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa. Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. "Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?", ông nói.

Theo ông Sơn, việc biên soạn bộ sách chung không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa, mà có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng cần cân nhắc nội dung này.

"Thay vì đánh giá Bộ Giáo dục chưa ban hành được, chưa xây dựng bộ sách nên phân tích không có bộ sách giáo khoa nhà nước thì tạo ra vấn đề gì, cái gì đang vướng mắc", ông nói.

Ông cũng đồng tình với Bộ trưởng Sơn, qua những bất cập nảy sinh trong việc biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, có nhiều cách để giải quyết, "không phải chỉ có một giải pháp là biên soạn bộ sách của Nhà nước".

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu chiều 14/8. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu chiều 14/8. Ảnh: Hoàng Phong

Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội nêu rõ chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Ngoài ra, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ với kinh phí 16 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo không làm được việc này.

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ này hồi năm 2019 cho biết ban đầu có hai phương án, hoặc giao Nhà xuất bản Giáo dục hoặc chọn một hãng tư vấn (nhà xuất bản) để làm một bộ sách. Tuy nhiên, cả hai phương án đều không thực hiện được do vướng các quy định của pháp luật Việt Nam và của Ngân hàng Thế giới. Sau đó, Bộ báo cáo Thủ tướng về phương án tuyển chọn tác giả để tổ chức biên soạn nhưng cũng không được. Lý do là hầu hết tác giả đã ký hợp đồng với các nhà xuất bản từ đầu năm 2018.

Năm 2020, Quốc hội đồng ý nếu mỗi môn học đã có ít nhất một bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt thì không dùng ngân sách để biên soạn sách giáo khoa của môn đó nữa.

Cùng năm đó, lộ trình thay sách giáo khoa mới được thực hiện đầu tiên ở lớp 1. Hiện trên thị trường có ba bộ sách giáo khoa và một số sách lẻ. Đến năm học này, việc thay sách ở cấp tiểu học đã thực hiện đến lớp 4, cấp THCS đến lớp 8, cấp THPT đến lớp 11 và sẽ hoàn tất vào năm 2025.

Sơn Hà