Chủ tịch tỉnh Bình Định nêu 5 đề xuất khi liên kết phát triển kinh tế- xã hội

Admin

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã nêu 5 đề xuất với TP.HCM để nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2024-2025

Điểm nghẽn trói buộc tiềm năng

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Vùng Duyên hải Trung bộ và triển khai Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2024 – 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, năm 2023, TP.HCM cùng với 6 tỉnh Vùng Duyên hải Trung bộ đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 – 2025.

Qua đó, triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương phát triển trên nhiều phương diện như: lĩnh vực công thương, du lịch, nông nghiệp, lao động - thương binh và xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục, truyền thông, y tế và xúc tiến thương mại đầu tư; và đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của cả nước.

Chủ tịch tỉnh Bình Định nêu 5 đề xuất khi liên kết phát triển kinh tế- xã hội- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Vùng Duyên hải Trung bộ sáng 11/10.

Đồng thời tạo nhu cầu kết nối để doanh nghiệp các tỉnh Vùng duyên hải Trung bộ và doanh nghiệp TP.HCM liên kết, hợp tác; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển của mỗi bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân.

Thời gian qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự hỗ trợ, hợp tác của TP.HCM – Đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng sự quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu, khát vọng vươn lên của địa phương trong Vùng, để đưa Vùng Duyên hải miền Trung tiến bước, trở thành một trong những Vùng phát triển năng động và ổn định của cả nước; môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng cải thiện,...

Tuy nhiên, quá trình hợp tác, phát triển vừa qua cũng cho thấy những tồn tại, điểm nghẽn trói buộc tiềm năng và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của Vùng, cần sự hỗ trợ của những đầu tàu kinh tế của cả nước, trong đó TP.HCM, cụ thể:

Trước hết là hạn chế về quy mô thị trường và lưu thông hàng hóa. Vùng Duyên hải Trung bộ là vùng có quy mô và mật độ dân số khá thấp, khiến sức mua thị trường nội tỉnh không cao, mặt khác, với địa hình trải dài hàng trăm km làm ảnh hưởng đến việc lưu thông tiêu thụ sản phẩm trong Vùng và sức hút thị trường ngoại vùng thấp.

Đặc điểm địa thế, địa hình đặc thù của Vùng Duyên hải Trung bộ là trải dài liên tục, địa hình phức tạp, cùng với xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, đặc biệt là không có địa phương nào đủ sức đảm đương vai trò trung tâm kinh tế của Vùng, đây là rào cản lớn cản trở tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, nhất là chênh lệch vùng miền giữa phía Đông và phía Tây còn cao, kết nối hạ tầng giao thông trục Đông Tây còn nhiều khó khăn.

Mặt khác, tiềm năng, thế mạnh của các địa phương khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp,...); các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của các địa phương có sự trùng lắp nên bị phân tán nguồn lực đầu tư (cả nhà nước lẫn tư nhân); thiếu cơ chế liên kết phát triển Vùng có hiệu quả.

Chủ tịch tỉnh Bình Định nêu 5 đề xuất khi liên kết phát triển kinh tế- xã hội- Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị.

Doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa cao. Phần lớn các doanh nghiệp mới tham gia vào một số công đoạn của mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Tỷ lệ lao động lành nghề, đáp ứng cao yêu cầu doanh nghiệp thấp; thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao.

Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; thiếu dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực, dẫn dắt; du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng, sức cạnh tranh quốc tế còn thấp…

Ngoài ra, Vùng còn nhiều bất lợi như: thiên tai, bão gió, lũ lụt xảy ra thường xuyên.

5 đề xuất của Chủ tịch UBND Bình Định

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết: " Giai đoạn năm 2024 – 2025 là giai đoạn quan trọng, có ý nghĩa quyết định hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và toàn bộ Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh Vùng Duyên hải Trung bộ, do đó, tôi kính đề nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh quan tâm phối hợp, hỗ trợ Vùng Duyên hải Trung bộ một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, liên kết ’.

Chủ tịch tỉnh Bình Định nêu 5 đề xuất khi liên kết phát triển kinh tế- xã hội- Ảnh 3.

Quá trình hợp tác, phát triển có những tồn tại, điểm nghẽn trói buộc tiềm năng và ảnh hưởng đến Vùng duyên hải Trung bộ, cần sự hỗ trợ của những đầu tàu kinh tế của cả nước như TP.HCM.

5 nội dung Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề xuất quan tâm phối hợp là:

Tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ; trong đó tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của TP.HCM, như: công nghệ thông tin, kinh tế số, dịch vụ, xây dựng hệ thống logistics cho các địa phương.

Quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp lớn của TP.HCM tham gia đầu tư tại các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ, tạo động lực đồng hành của chính quyền đối với doanh nghiệp trong hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh. Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ vùng Duyên hải Trung bộ tham gia vào các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tại TP.HCM.

Nghiên cứu, tổ chức các hội nghị xúc tiến chuyên đề, đẩy mạnh quảng bá, thu hút doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào các Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp của vùng như: Khu kinh tế Nhơn Hội, Khu Công nghiệp Becamex VSIP Bình Định; Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi); Khu Kinh tế Nam Phú Yên; Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa); KCN Du Long, KCN Phước Nam (Ninh Thuận), KCN Hàm Kiệm I, KCN Hàm Kiệm II (Bình Thuận).

Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các chiến dịch quảng bá du lịch chung giữa các địa phương, tập trung vào các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội để thu hút du khách trong và ngoài nước; thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp, cách làm, mô hình trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế; thúc đẩy thực hiện các chương trình hợp tác, trao đổi y, bác sỹ giữa bệnh viện của TP.HCM và các địa phương trong Vùng.

Thúc đẩy, tăng cường các chuyến bay đến và đi giữa TP.HCM với các địa phương trong Vùng, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, khách du lịch, nhân dân di chuyển thuận lợi, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác, phát triển, đầu tư mới.