Chưa vào Việt Nam, Temu đã bị người tiêu dùng 'quay xe'

Admin

Nhiều người tải Temu để trải nghiệm vì quảng cáo giá rẻ, ưu đãi "khủng", tuy nhiên sau đó lập tức xóa đi vì những bất cập về khâu thanh toán, chất lượng sản phẩm...

Người tiêu dùng "quay xe"

Ngày 23/10, chị Tuệ Lâm (ngụ TP.HCM) lướt Facebook và gặp một đôi bông tai "vừa mắt". Sau khi ấn vào sản phẩm, ứng dụng Facebook đưa chị đến một sàn thương mại điện tử có tên Temu.

Tại đây, đôi bông tai chị muốn mua hiển thị giá chỉ 39.000 đồng, miễn phí giao hàng. Tuy nhiên, để mua hàng, chị bắt buộc phải tải ứng dụng Temu về điện thoại và đăng nhập tài khoản.

Chưa vào Việt Nam, Temu đã bị người tiêu dùng 'quay xe'- Ảnh 1.

Ứng dụng Temu âm thầm "đi chui" vào thị trường Việt Nam từ tháng 10/2024.

Sau khi hoàn thành thao tác tải và đăng nhập, ứng dụng một lần nữa yêu cầu chị chọn mua thêm mặt hàng khác. Bởi chỉ với đơn trên 120.000 đồng, người mua mới được miễn phí giao hàng.

Cho rằng số tiền 120.000 đồng không quá lớn, chị Lâm tiếp tục dạo nhiều vòng Temu shop. Sau khoảng 15 phút, giỏ hàng của chị đã lên tới hơn 500.000 đồng.

Việc mua hàng sẽ diễn ra suôn sẻ nếu như ứng dụng Temu không yêu cầu chị liên kết với thẻ visa để thanh toán trước đơn hàng. Do đó, chị quyết định hủy đơn và xóa ứng dụng vì cho rằng mình đang bị "dắt".

"Tôi cảm thấy không an toàn. Nếu tính ra giá ở Temu có vẻ không hề rẻ hơn các sàn khác, trong khi đó lại bắt trả tiền trước, rồi kết nối thông tin tài khoản thẻ visa. Thật tình với những đơn hàng chỉ khoảng vài trăm nghìn, nhận hàng mà không đạt yêu cầu thì người mua cũng rất làm biếng để thực hiện thao tác đổi trả, thường sẽ chấp nhập mất tiền và bỏ mặt hàng đó", chị Tuệ Lâm cho hay.

Chưa vào Việt Nam, Temu đã bị người tiêu dùng 'quay xe'- Ảnh 2.

Đánh giá của người tiêu dùng Việt.

Theo khảo sát của PV Báo điện tử VTC News ở phần đánh giá, ứng dụng Temu nhận "mưa lời chê" từ khách hàng Việt dù chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

- Chả thấy rẻ tý nào, còn có bất cập là phải thanh toán trước (chuyển khoản). Không có hạng mục thanh toán khi nhận hàng, cái này với người Việt là tối kỵ. Nói chung các ông không phải lo, cái app này chắc chắn sẽ khó sống ở Việt Nam, sẽ chỉ bán được những món đồ vài trăm nghìn trở xuống.

- Một số nước cấm rồi. Chất lượng không như quảng cáo.

- Không ship COD, không cho thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng, bắt buộc phải có thẻ visa thì mới mua được hàng. Ứng dụng này không phù hợp với thói quen mua hàng của đại đa số người Việt Nam. Tôi đã cài và lại gỡ bỏ.

- Giá đắt gấp 2 - 3 lần so với thực tế mọi người đừng mua và đừng tải. Tôi sẽ xóa sau khi bình luận.

- Trải nghiệm của tôi giống như khi đi mua dưa hấu thấy giá 4 nghìn nhưng khi vào mua thì mới biết 4 nghìn cho 1/2kg.

- Bất cứ món hàng nào nó cũng đội giá lên trời xong lại mã giảm giá. Giá thực tế so với sàn khác đắt hơn nhiêu. Không nên tải.

- Hàng không như hình ảnh đâu nhé, tôi order mấy đơn về Úc mà chất lượng như.... Chưa tính đến việc bảo mật về thanh toán nữa.

- Mới tải về thử. Nhận xét: Hàng hoá giá cao, nhiều sản phẩm dởm. Nói cách khác là rác công nghệ. Đã tải xuống và đã xoá!

Ngoài đánh giá của người tiêu dùng Việt, sàn thương mại Temu cũng không được lòng khách hàng nước ngoài.

Chưa vào Việt Nam, Temu đã bị người tiêu dùng 'quay xe'- Ảnh 3.

Nhận không ít lời chê từ khách hàng nước ngoài.

Để tiếp cận với người tiêu dùng Việt, ngày 22/10 vừa qua, Temu đã tung ra một chiến lược kinh doanh tiếp thị liên kết (affliate). Nhiều người đã ngay lập tức chia sẻ về thông tin này, và cho rằng đây là một trong những cơ hội kiếm tiền “ngon ăn".

Tuy nhiên cũng không ít người nghi ngại rằng, ứng dụng này đang bằng mọi giá để người dùng Việt "vào lưới", bất chấp những hứa hẹn khuyến mãi không có thật, chất lượng hàng hóa không đảm bảo, độ bảo mật nguy hiểm.

Đề xuất chế tài kiểm soát chặt

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết hiện tại phía Temu chưa đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý Việt Nam.

Mới đây, trong văn bản đề xuất nhiều giải pháp quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử vừa gửi Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP.HCM đề xuất chế tài xử phạt nghiêm khắc nhất đối với các website, trang thương mại điện tử... quảng cáo, khuyến mãi trên 50%.

Lãnh đạo ngành Công Thương TP.HCM cho biết thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Song, bên cạnh mặt tích cực, công tác quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa, ngăn chặn hàng giả, hàng cấm, bảo vệ người tiêu dùng, an ninh mạng, dữ liệu cá nhân… trở nên phức tạp hơn, khi có sự tham gia của nhiều nhà cung cấp, nhất là nhà cung cấp từ nước ngoài.

Chưa vào Việt Nam, Temu đã bị người tiêu dùng 'quay xe'- Ảnh 4.

Chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, nhưng Temu đang khiến các nhà bán hàng, doanh nghiệp và cả người dùng sốt ruột với mức giá hàng hóa giảm tới 90%.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xuất hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử; sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, mạng xã hội… điển hình là quảng cáo, khuyến mại vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch trong thời gian gần đây. Việc này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Để bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dung, Sở Công Thương TP.HCM đề xuất Bộ Công Thương quyết liệt ngăn chặn hiển thị quảng cáo, khuyến mại vi phạm quy định trên các website, nền tảng thương mại, mạng xã hội….

Các chế tài được kiến nghị áp dụng nghiêm khắc, bao gồm ngăn chặn, tạm ngưng hoặc đình chỉ hoạt động tên miền, ứng dụng tại Việt Nam đối với các website, nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội… vi phạm nhiều lần.

Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát quy định pháp luật về thương mại điện tử hiện hành. Động thời đánh giá sự tuân thủ quy định của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới quốc tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong nước.

Ngành Công Thương TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, sớm ban hành các quy định cụ thể hơn về thuế quan, thủ tục hải quan và kiểm soát hàng hóa trong thương mại điện tử xuyên biên giới, để có cơ sở pháp lý quản lý, điều chỉnh hiệu quả các hoạt động này, nhất là một số nội dung còn bỏ ngỏ hoặc chưa có cơ sở để can thiệp.

Song song đó là hoàn thiện quy định và chính sách thuế, bảo đảm các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài có cơ chế nộp thuế đầy đủ khi kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời kiểm soát chặt chẽ, thu thuế công bằng đối với sản phẩm nước ngoài bán tại Việt Nam thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chưa vào Việt Nam, Temu đã bị người tiêu dùng 'quay xe'- Ảnh 5.

Ngành Công Thương TP.HCM kiến nghị ngăn chặn, ngưng hoạt động với các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội vi phạm nhiều lần quảng cáo, khuyến mãi vượt quy định.

Yêu cầu siết chặt quy định về quảng cáo trên các nền tảng thương mại điện tử, phòng ngừa thông tin sai lệch, lừa đảo hoặc các kinh doanh sản phẩm kém chất lượng, không đúng mô tả.

Đồng thời, hoàn thiện quy định liên quan đến việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng trong các chiến dịch quảng cáo; ngăn chặn vi phạm quyền riêng tư của người dùng Việt Nam.

Bên cạnh đó, văn bản do Phó giám đốc Sở Nguyễn Nguyên Phương ký cũng kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử kết nối với các đối tác quốc tế, tham gia các hội chợ, triển lãm trực tuyến toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới…

Theo quy định hiện hành, trách nhiệm của thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn các giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam.

Thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định... Tuy nhiên, chưa quy định rõ các nghĩa vụ khác (như đăng ký hoạt động thương mại điện tử trong nước) và chưa quy định cụ thể các biện pháp chế tài xử lý vi phạm.

Đầu tháng 10, Indonesia cấm ứng dụng Temu để bảo vệ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trước hàng giá rẻ nước ngoài tràn vào.

Nền tảng này cũng đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng ở Liên minh châu Âu và Mỹ. Ủy ban Châu Âu đang nghiên cứu việc áp thuế nhập khẩu với các mặt hàng giá trị dưới 150 euro. Trong khi, tháng trước, Washington công bố các biện pháp nhằm lấp lỗ hổng các lô hàng có giá trị dưới 800 USD được miễn thuế nhập khẩu.