Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các tác động của biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Ngày 01/11/2021, tại Glasgow (Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị COP26. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050, cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Nhà báo Nguyễn Xuân Hải - Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Việt - Đức nhấn mạnh: “CHLB Đức là thị trường xuất khẩu chính đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, quần áo, rau quả, thủy sản, cà phê, đồ gỗ... Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là "cánh cửa" để hàng hóa Việt Nam mở rộng thị phần tại CHLB Đức và các nước Châu Âu. Việt Nam hiện có gần 100 dự án đầu tư tại CHLB Đức. Hiện có hơn 300 doanh nghiệp Đức đang đầu tư tại Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức không ngừng phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên mọi lĩnh vực. Với hơn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHLB Đức, Ban Tổ chức chương trình hy vọng hội thảo lần này sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trao đổi, tìm hiểu, kết nối hợp tác, liên doanh...”.
Tại hội thảo, ông Jürgen Czilinsky - Tổng Giám đốc Tập đoàn Sowareen (Việt Nam) đã trình bày tham luận: “Ý nghĩa, vai trò, giải pháp công nghệ xử lý CO2, Lợi ích cho Kinh tế, Công - Nông nghiệp Việt Nam”. Ông Jürgen Czilinsky kỳ vọng thông qua hội thảo có nhiều cơ hội hợp tác và nhân rộng giải pháp xử lý CO2 cũng như các giải pháp bền vững, thân thiện với môi trường kết hợp với quản lý vốn và tài chính nhằm tạo ra các chu kỳ tăng trưởng kinh tế bền vững tại Việt Nam.
TS Mai Huy Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển Xanh THDV đã trình bày tham luận: “Tổ hợp mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và năng lượng tái tạo”. Mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ xây dựng vùng nguyên liệu cho các trang trại chăn nuôi, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để cung cấp cho các nhà máy chế biến tập trung, nhà máy biogas. Ngoài ra, khai thác điện năng từ nguồn biogas, điện mặt trời, điện gió, địa nhiệt cho hoạt động của nhà máy. Việc ứng dụng giải pháp công nghệ đưa phế phẩm của khu vực này là đầu vào của khu vực khác, sau đó quản lý và tái tạo theo một vòng khép kín. Mô hình sẽ đạt hiệu quả kinh tế và hiệu quả đầu tư cao, nâng cao đời sống và thu nhập của người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương triển khai dự án đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải.
Ông Vũ Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (VUSTA) trình bày tham luận: “Thị trường tín chỉ CO2: Tiềm năng và giải pháp”. Tín chỉ CO2 là giấy phép (hoặc giấy chứng nhận) cho phép chủ sở hữu phát thải khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác. Mỗi tín chỉ giới hạn lượng phát thải đến một tấn CO2. Mục tiêu của tín chỉ CO2 là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển. Nguyên tắc cơ bản của thị trường trao đổi tín chỉ carbon (thị trường carbon) là bên phát thải lớn sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm nhẹ. Cơ hội Việt Nam tham gia thị trường carbon quốc tế rất lớn bởi từ năm 2021, Việt Nam bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Dự báo, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon. Nếu được giá bán 5 USD/tín chỉ thì mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Ông Đỗ Đình Khang - Đại diện Tập đoàn Công nghệ Weter (CHLB Nga) trình bày tham luận: “Tòa nhà điện gió: Mô hình, công nghệ chuyển đổi năng lượng xanh”.
Cũng tại hội thảo, các diễn giả đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến các giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh - xu hướng tất yếu giúp phát triển kinh tế bền vững. Hội thảo cũng chứng kiến các lễ ký kết hợp tác, liên doanh cùng các hoạt động kết nối, chia sẻ mở ra nhiều cơ hội xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế thực chất và hiệu quả