Từ cuối năm 2019 đại dịch Covid-19 đã từ chỗ âm thầm tiến tới ồ ạt tiến quân vào hầu hết các nước trên thế giới và gây nên tác hại vô cùng nghiêm trọng đối với đời sống của nhân loại và nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt đại dịch Covid-19 đã mang đến thảm họa thực sự cho các ngành dịch vụ như vận tải hàng không, du lịch, khách sạn, dịch vụ nhà hàng… Những hậu quả của đại dịch gây ra đã buộc các công ty hàng không cần phải chi tiền nuôi nhân viên, máy bay, đủ các thể loại chi phí khác nữa. Vì không có khách thì dịch vụ chết đứng như người ta thường nói là đúng rồi! Đại dịch Covid-19 đã tạo ra cơn chấn động rất lớn và kéo dài đối với ngành hàng không Việt Nam (HKVN). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử HKVN phải trải qua thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Một trong những ngành dịch vụ vận tải vừa có vốn đầu tư rất lớn nhưng cũng đem lại doanh thu khổng lồ cho doanh nghiệp cũng như nguồn thu của ngân sách Nhà nước đã chịu thiệt hại rất lớn từ ba đợt dịch trong năm 2020, thế rồi đến đợt dịch thứ tư tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp khiến các doanh nghiệp vận tải hàng không Việt Nam rất khó khăn này lại rơi vào tình cảnh lao đao hơn nữa. Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đứng bên bờ vực phá sản đã phải tính đến mức bán tháo máy bay của mình để cứu vớt tình hình bi đát đã xảy ra. Các hãng khác như Viet Jet, Bamboo Airways … cũng rơi vào tình trạng rất bi đát về tài chính và nhiều vấn nạn khác. Nhà nước đã khẩn trương vào cuộc và loay hoay tìm nhiều phương án để hỗ trợ nhưng không đơn giản một tý nào vì đây là những tình huống lần đầu tiên xảy ra chưa có tiền lệ. Tình hình dịch bệnh xem ra rất khó lường và không biết đến bao giờ mới kết thúc. Kẻ thù vô hình cứ rình rập khắp nơi mà không thể đoán định đến bao giờ mới hết dịch. Đây cũng chính là điều tệ hại nhất và làm nản lòng nhiều người nhất.
Chuyên đề này nghiên cứu phân tích, đánh giá tính kịp thời, khả thi và hiệu quả của những giải pháp về chủ trương, chính sách của ngành HKVN đã đưa ra vừa qua để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay. Đây là vấn đề quan trọng cần có sự đánh giá khách quan, trung thực, thẳng thắn, chính xác những tác hại do đại dịch Covid-19 đã gây ra cho ngành HKVN nói chung và cho các doanh nghiệp thương mại mặt đất (TMMĐ) để kịp thời rút ra bài học cần thiết cho công cuộc đấu tranh ứng phó với đại dịch làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp về cơ chế, chính sách ưu việt, khả thi và hiệu quả hơn vừa qua để kiến nghị những giải pháp mới trong giai đoạn sắp tới.
Tác động của đại dịch covid 19 đối với vận tải hàng không thế giới và hàng không Việt Nam
Vai trò của vận tải hàng không
Hàng không là một ngành kinh tế - kỹ thuật - đối ngoại quan trọng của quốc gia. Hiệu quả của ngành Hàng không chủ yếu nằm trong hiệu quả của liên ngành kinh tế quốc dân… Ngành Hàng không trực tiếp tạo ra lợi nhuận, đóng góp cho ngân sách Nhà nước dưới các hình thức trực tiếp nhờ có lợi nhuận của các hãng hàng không quốc gia và tiền thu thuế, lệ phí từ các dịch vụ hàng không đồng bộ và phi đồng bộ khác.
Có thể tóm lược vai trò của ngành hàng không như sau: Thúc đẩy thương mại quốc tế; Thúc đẩy dòng vốn đầu tư quốc tế; Tạo ra hiệu ứng lan tỏa đối với các ngành kinh tế khác, đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ nhà hàng, xuất nhập khẩu..; Thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành thị trường lao động trên bình diện quốc gia và quốc tế; Tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở những vùng xa xôi, hẻo lánh (rừng núi, biển đảo…) mà các phương tiện giao thông khác khó hoặc không tiếp cận được; Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp và thực hiện các sứ mạng cứu trợ nhân đạo khẩn cấp khác; Góp phần thay đổi phong cách sống, tập quán tiêu dùng của người dân; Nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu và bảo vệ môi trường; Đảm bảo vận chuyển hàng hóa có giá trị cao, hàng tươi sống một cách nhanh chóng và đáng tin cậy, đặc biệt là đối với sản phẩm của các ngành công nghiệp dược, công nghệ sinh học, thiết bị công nghệ thông tin; Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các ngành kinh tế, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm và gắn kết với các nhà cung cấp có giá rẻ và kết nối tốt hơn với khách hàng; Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong việc xử lý các yêu cầu riêng biệt cũng như những khiếu nại của khách hàng; Tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển, đặc biệt là giúp các nhà cung cấp có thể nhận và hoàn thành các đơn hàng từ nước ngoài đúng hạn, cho phép duy trì những kho hàng lớn, từ đó giúp giảm chi phí trong các giai đoạn phân phối và bán lẻ; Giúp kiểm soát tốt chi phí vận chuyển và thiết lập hệ thống logistics nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức kinh doanh một cách có hiệu quả.
Bên cạnh đó ngành vận tải hàng không còn đóng vai trò rất quan trọng: Là lực lượng dự bị chiến lược của quốc phòng và an ninh quốc gia. Mỗi khi đất nước có chiến tranh hay thiên tai địch họa thì ngành Hàng không dân dụng là lực lượng vận tải hàng không chiến lựợc của đất nước: Tham gia vận chuyển người, hàng hóa, vũ khí phục vụ chiến dịch…Qua các cuộc chiến tranh với mọi kẻ thù dân tộc, ngành HKVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này được lịch sử ghi nhận.
Tác động của đại dịch Covid-19 đối với vận tải hàng không thế giới
Sự bùng phát đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, tạo nên cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế thế giới. Hàng không và du lịch là hai ngành chịu tác động mạnh nhất, suy giảm nghiêm trọng nhất. Theo ước tính của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2020 đại dịch Covid-19 khiến sản lượng hàng không toàn cầu giảm 66%, các hãng hàng không thế giới bị lỗ 128 tỷ USD (so với mức lãi năm 2019 là 29 tỷ USD). So cùng kỳ 2019, sản lượng đặt chỗ trong Quý I năm 2021 giảm 80%, sản lượng vận tải hành khách năm 2021 giảm trên 50%. Ngày 24/02/2020, IATA dự báo sản lượng hành khách năm 2021 sẽ chỉ đạt 33% (so với năm 2019) và tổng mức lỗ dự kiến 95 tỷ USD. Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng nhận định 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng ghế cung ứng của ngành hàng không giảm từ 42% đến 47%, sản lượng khách vận chuyển giảm từ 47% đến 57% và doanh thu sẽ giảm từ 156 đến 181 tỷ USD so với năm 2019. Thực trạng trên ảnh hưởng bất lợi tới tình hình tài chính của ngành: Năm 2021, các hãng hàng không sẽ phải gánh khoản nợ trên 220 tỷ USD. Chính vì thế, Chính phủ các nước đã tiếp tục khởi động những gói cứu trợ mới cho ngành hàng không, bổ sung cho những gói cứu trợ hiện nay đã lên tới khoảng 200 tỷ USD.
(Nguồn: theo các tài liệu thông báo của các tổ chức hàng không quốc tế và các tạp chí hàng không)
Đối với ngành hàng không, đó là sự sụt giảm nhu cầu đi lại của hành khách, bắt nguồn từ 2 lý do chính: Một là, do dịch bệnh nên việc đi lại của người dân bị hạn chế, bị phiền toái và tăng chi phí cũng như thời gian dãn cách; các quốc gia lần lượt tuyên bố cấm, hạn chế các chuyến bay quốc tế và các chuyến bay trong nước. Hai là, do suy thoái và khủng hoảng nên nhu cầu đi lại của hành khách giảm đi, đặc biệt là nhu cầu đi lại vì mục đích kinh doanh và các giao lưu có tính chuyên môn, nghiệp vụ. Sự giảm sút cầu dẫn tới sự sụt giảm doanh thu của tất cả các lĩnh vực của ngành hàng không: các hãng hàng không, các sân bay, các cơ sở cung cấp dịch vụ kỹ thuật hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ quản lý/ điều hành bay, các cơ sở cung cấp dịch vụ cho các hãng bay. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (International Air Transport Association - IATA) công bố nhu cầu đi lại bằng máy bay trên toàn thế giới tháng 3/2020 giảm đến 52,9% so với cùng kỳ năm trước - mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay - do các biện pháp giãn cách xã hội mà chính phủ nhiều nước đang áp dụng để ngăn đại dịch Covid-19 lây lan.
Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA) dự báo doanh thu cả năm của ngành hàng không thế giới năm 2020 có thể giảm đến 55% (tương đường 314 tỷ USD) so với năm 2019, trong khi số lượng khách đi lại giảm 48%. Tháng 3/2020, hiệp hội sân bay quốc tế (Airport Council International) dự báo năm 2020, các sân bay toàn thế giới sẽ lỗ khoảng 46 tỷ USD, trong khi IATA dự báo các hãng hàng không lỗ 113 tỷ USD trong cùng kỳ. Trong khi đó, tháng 5/ 2020, IFC đã tập hợp số liệu thực tế và cho biết doanh thu quý I/2020 của các sân bay trên thế giới đã giảm 56,7%, trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình dương giảm tới 58,9% Gần đây, đầu tháng 8/2020, ICAO nâng dự báo mức lỗ của các hãng hàng không năm 2020 dao động trong khoảng 343 - 384 tỷ USD.
Trong bối cảnh này, các đơn vị, tổ chức thuộc ngành hàng không đều phải thu hẹp phạm vi hoạt động, ngừng triển khai các dự án mới; nhiều hãng hàng không đã phải tiến hành các thủ tục xin phá sản: Hãng hàng không quốc gia Thai Airways đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào giữa tháng 5/2020 do ảnh hưởng của Covid-19 và những khó khăn trước đó. Sau đó ít lâu, Hãng hàng không Avianca của Colombia cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Tiếp đó, trong tháng 4/2020, hãng hàng không Virgin Australia sụp đổ và tháng 3/2020, hãng hàng không Flybe của Anh cũng buộc phải tuyên bố không thể tiếp tục duy trì hoạt động của mình. IATA dự báo rằng dù sẽ phục hồi dần dần nhưng ngành hàng không trên thế giới sẽ còn khó khăn ít nhất đến năm 2023. Một nghiên cứu khác cũng dự báo sự phục hồi của nhu cầu hành khách trên thế giới về mức trước COVID-19 ước tính mất khoảng 2,4 năm (phục hồi vào cuối năm 2022), trong đó ước tính lạc quan nhất là 2 năm (phục hồi vào giữa năm 2022) và ước tính bi quan nhất là 6 năm (phục hồi vào năm 2026).
(Nguồn tin từ các tạp chí hàng không thế giới và các báo cáo của ICAO, IATA… giai đoạn đến tháng 9 năm 2021; Các thông tin trên mạng điện tử và báo, tạp chí trong nước và quốc tế.)
Tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành hàng không Việt Nam
Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành hàng không Việt Nam thiệt hại nghiêm trọng, số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác đều sụt giảm mạnh. Từ đầu năm 2020 tới nay, dịch bệnh ở Việt Nam đã trải qua 4 đợt:
Đợt 1: Từ tháng 02/2020 tới giữa tháng 7/2020 (với điểm đáy là tháng 4/2020).
Đợt 2: Từ cuối tháng 7/2020 tới quý I năm 2021.
Đợt 3: Vào đúng dịp tết Nguyên Đán.
Đợt 4: vào cao điểm hè đến nay.
Trong đó đợt 3 và 4 trầm trọng hơn và diễn ra ở diện rộng khắp hơn trong cả nước, nặng nhất là tại các khu công nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hàng không và Du lịch vẫn là những ngành bị thiệt hại trầm trọng nhất.
Những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho ngành hàng không có thể tóm lược như sau:
(1). Thị trường quốc nội giảm sút nghiêm trọng, khiến một lượng lớn phương tiện và cơ sở vật chất không được khai thác và sử dụng mà vẫn phải chăm sóc bảo dưỡng, chăm sóc và nuôi nấng.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam tới ngày 21/08/2020. Việt Nam có tới khoảng 1/3 tổng số tàu bay phải dừng bay. Từ ngày 27/07/2020 số chuyến bay từ và tới Đà Nẵng đã bị dừng hoàn toàn. Số chuyến bay phải dừng bay nằm chờ tại các sân bay lên mức kỷ lục là trên 80%. Các Doanh nghiệp Cảng hàng không, Quản lý bay, Dịch vụ kỹ thuật, Thương mại mặt đất.. cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thị trường hàng không quốc nội cũng đã giảm sút nặng nề chưa từng có, Do dịch bệnh đợt 3 diễn ra đúng vào dịp Tết âm lịch (27/01-26/02/2021); Lần thứ tư vào mùa du lịch hè khi nhu cầu vận chuyển thường đạt cao điểm trong năm. Do lượng khách giảm, số chuyến bay cũng giảm theo và để kích cầu, các hãng buộc phải giảm giá vé khá sâu, dẫn tới hậu quả chưa từng xảy ra trước đây là các Hãng hàng không Việt Nam bị lỗ ngay trong mùa cao điểm.
(2). Bay quốc tế vẫn đóng băng, chủ yếu sử dụng các chuyến bay cứu nạn, bay chở hàng hóa cứu trợ và thiết yếu. Trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66,6 nghìn khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019.
(3). Tiếp tục làm giảm doanh thu hoặc không còn doanh thu, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong cân đối dòng tiền, đảm bảo tính thanh khoản của các doanh nghiệp. Chúng ta đều biết, ngành hàng không có chi phí cố định cao, đặc biệt là các khoản chi phí khấu hao trang thiết bị và cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ cao, vật liệu mới rất đắt đỏ. Máy bay không bay được thì không chỉ các hãng hàng không phải bắt buộc chi trả những khoản chi cố định (khấu hao tàu bay, tiền bãi đỗ, lương trả nhân viên…) mà các doanh nghiệp có liên quan như cảng hàng không, cơ quan điều hành bay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại mặt đất … đều nằm trong tình trạng tương tự. Làm phát sinh thêm nhiều chi phí. “… Để đảm bảo an toàn cho phương tiện bay, các tàu bay đang trong kế hoạch khai thác, không thuộc dạng bảo dưỡng dừng bay nhưng phải dừng bay trên 8h thì phải được bọc bảo vệ các đầu cảm biến động, tĩnh áp, cảm biến nhiệt độ, cảm biến góc tấn; những tàu bay đang khai thác nhưng phải dừng bay trong thời gian từ 3 ngày trở lên phải bọc bảo quản động cơ …”.
Những hoạt động này đều làm phát sinh chi phí ngoài dự kiến. Tính riêng trong dịp cao điểm (quý II và III năm 2021, mỗi ngày các Hãng hàng không phải chi hơn 100 tỷ VNĐ để bảo dưỡng, duy trì đội hình máy bay nằm chờ tại các sân bay.
Khối các doanh nghiệp dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật và công nghiệp phù trợ, sản xuất suất ăn, đào tạo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải sản xuất mức tối thiểu; lao động bị nghỉ, ngừng việc, chờ việc nên thu nhập thấp, nhiều lao động nghỉ không lương…
(Nguồn: Các báo cáo của Cục HKVN và các doanh nghiệp HKVN)
TS. Trần Quang Châu
Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Viện trưởng Viện khoa học Hàng không (ASI)
TS. Phùng Thế Tám
Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)
(Còn nữa)
Phần 2: Những giải pháp về chính sách hỗ trợ vận tải hàng không Việt Nam từ cuối năm 2019 đến nay