Cung vượt cầu, giá chanh leo xuống đáy

Admin

Cung vượt cầu nên giá chanh leo giảm từng ngày. Khi giá giảm sâu, nhiều vườn chanh leo đã bị bỏ mặc.

Hệ lụy khi phát triển thiếu bền vững trái cây chủ lực

Theo đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định 14 loại cây ăn quả chủ lực, đó là thanh long, xoài, chuối, vải, sầu riêng, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, mít, chanh leo, bơ, na... Tuy nhiên, đa phần đang rơi vào tình trạng phát triển thiếu bền vững.

Sau thanh long, cam, mít... từng vỡ trận, hiện chanh leo, sầu riêng đang là 2 loại trái cây phát triển nóng để chớp cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hệ lụy đã có thể thấy rõ tại các vùng sản xuất trọng điểm.

Năm 2022, giá chanh leo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg. Riêng tỉnh Gia Lai, diện tích đã tăng thêm 500 ha so với năm trước đó. Năm nay, hệ lụy đã thấy rõ, khi giá giảm sâu, nhiều vườn chanh leo đã bị bỏ mặc.

Thời điểm này, ông Toàn (xã Ia Pết, huyện Đắc Đoa, Gia Lai) bỏ thu hoạch vì giá chanh leo chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/kg. Chuyển từ tiêu sang chanh leo để tận dụng hệ thống cột, giàn đã đầu tư, nhưng đến nay, ông Toàn phải tính phá đi để trồng lại cà phê.

Cung vượt cầu, giá chanh leo xuống đáy - Ảnh 1.

Năm 2022, giá chanh leo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg. Thời điểm này, giá chanh leo chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/kg. (Ảnh: )

"Năm ngoái chanh quá đắt, phá hết cà phê đi trồng", ông Phạm Văn Toàn, xã Ia Pết, huyện Đắc Đoa, Gia Lai, chia sẻ.

Cung vượt cầu nên giá giảm từng ngày. Ngay cả khi tỉnh Gia Lai có 3 nhà máy chế biến lớn cũng không tiêu thụ hết số lượng chanh leo nông dân đã sản xuất. 5 tháng qua, nhà máy của Công ty TNHH xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai luôn duy trì công suất 250 - 300 tấn mỗi ngày.

"Năm nay nhà máy chạy thế này phấn khởi, nhưng cũng có nỗi lo là sang năm, giá chanh thấp, bà con lại không trồng. Đó cũng là bài toán", ông Trịnh Lập Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai, cho biết.

Còn sầu riêng hiện đã hơn 110. 000 ha, vượt qua cam, bưởi, vươn lên vị trí thứ 3 về diện tích. Bỏ tiêu, chuyển sang trồng thuần sầu riêng với hy vọng có thể xuất khẩu, vườn của anh Thái anh Trần Văn Thái (xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đang được trả giá 75.000 - 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đó là giá của vụ này. Nhiều nông dân chưa thể yên tâm khi nhà nhà, người người đua nhau trồng sầu riêng

"Chính quyền cũng không có quy hoạch vùng đất nào trồng được, bà con tự phát", anh Trần Văn Thái, xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, cho hay.

"Biến động diện tích sầu riêng tăng rất nhanh, nếu nhà nước không can thiệp kịp thời, khả năng sầu riêng sẽ giống như cây ăn quả trước", ông Võ Văn Nam, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, nhận định.

Trồng - chặt theo phong trào nên rau quả là lĩnh vực thiếu bền vững ngay cả khi đó là lợi thế với đủ các nhân tố của chuỗi như vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, xuất khẩu. Hiện những vườn trồng thuần chanh leo, nông dân cầm chắc thua lỗ, khi giá mua giống thì trên trời, nhưng giá bán quả xuống đáy.

Phát triển cây ăn quả chủ lực theo hướng bài bản

Nhận diện rõ nguy cơ phát triển nóng, nên ngay từ cuối năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ thị về phát triển bền vững chanh leo, sầu riêng. Tuy nhiên những diễn biến từ đầu năm đến nay đã đặt ra bài toán cho các bên cần phải có những định hướng, chấn chỉnh hiệu quả hơn.

Theo đánh giá của các bên, hiện diện tích chanh leo đã gần chạm mốc 10.000 ha, sản lượng gần 190. 000 tấn. Giá chanh leo giảm sâu có một phần nguyên nhân từ việc người dân chạy theo phong trào, ồ ạt trồng mà không có chọn lựa giống tốt đáp ứng cân bằng cả 2 nhu cầu chế biến và bán tươi, nên phát triển nhanh nhưng chất lượng không ổn định.

"Giống chanh leo chỉ nhằm cho chế biến, không xuất tươi. Những nhà nhập khẩu tươi họ chê chanh leo của chúng ta mẫu mã không đẹp, vỏ không dày, bảo quản không được lâu", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết.

Tỉnh Gia lai đặt mục tiêu phát triển 100.000 ha cho riêng mặt hàng trái cây. Bài học từ trái chanh leo đã đòi hỏi phải có giải pháp quản lý hiệu quả hơn để hạn chế tình trạng nông dân cứ trồng mà không có sự gắn kết với doanh nghiệp để phát triển có kế hoạch vùng nguyên liệu.

"Trong thời gian tới một là phải có hợp đồng sản xuất, sản xuất ra tiêu chuẩn như thế nào, giá cả bao nhiêu cũng phải công khai, minh bạch, đồng thời nông dân phải có trách nhiệm sản xuất ra sản phẩm trái cây, đặc biệt là chanh leo theo tiêu chuẩn thì mới được bảo vệ quyền lợi", ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, cho hay.

"Việc phát triển cây ăn quả phải ổn định, bền vững và đem lại lợi ích cho nông dân. Do đó việc phát triển nóng bất kỳ loại cây ăn quả nào là không nên vì cây ăn quả là cây lâu năm, cần có đầu tư lớn", ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

Nhiều địa phương cũng đề xuất cần bổ sung quy hoạch và chế tài thực hiện quy hoạch đối với một số cây ăn quả chủ lực có ảnh hưởng lớn đến thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Có như vậy, chúng ta mới tránh đi vào vết xe đổ của những loại trái cây trước đây.

Với 1,2 triệu ha, sản lượng 13 triệu tấn, năm nay dự kiến giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD, về đích sớm trước 2 năm so với mục tiêu đề án. Tuy nhiên, những năm tiếp theo, việc có nâng được giá trị kim ngạch lên hay không phụ thuộc nhiều vào quy hoạch sản xuất. Nếu cứ mở rộng ồ ạt, sử dụng giống không rõ nguồn gốc, hoặc kém chất lượng thì rất có thể sẽ vỡ trận như đã xảy ra với thanh long, cam, mít...