Kể từ lúc làm thầy giáo dạy học ở vùng sâu, rồi cán bộ ngành giáo dục, cán bộ Đoàn, võ sư huấn luyện karate, Hiệu trưởng Trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục Thể thao, lãnh đạo ngành thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam..., đến khi về hưu, thầy Nguyễn Thành Tự đã để lại trong tim nhiều thế hệ học trò tình cảm sâu sắc về tấm gương lễ - văn, đạo - võ.
Tiếp lửa cho võ sinh Quảng Nam
Trong dịp gặp mặt cựu giáo viên Trường Tiểu học số 1 xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), có nhiều học trò của thầy Tự, nay trưởng thành, được giao những trọng trách của địa phương đã nhắc nhớ kỷ niệm về thầy. Thầy tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, lại là môn sinh từng được theo học tại Võ đường Suzucho Karate-Do, số 8 Võ Tánh (nay là Tổ đường hệ phái Suzucho Karate-Do; số 8 Nguyễn Chí Thanh, TP Huế); sau năm 1975, thầy xung phong về vùng sâu, dạy học trường làng.
Người thầy có sức khỏe dẻo dai, rất yêu thương học trò. Nơi ngôi trường lợp lá dừa, toàn cỏ đế, dứa dại, khó khăn thiếu thốn đủ bề, thầy là điểm tựa tinh thần cho các em trong những ngày đến trường còn lắm gian nan.
Thầy giáo, lính chiến trường K, nhà văn Nguyễn Anh thì nhắc đến thầy Tự trong bút ký "Tiếng vọng thời gian" của mình một kỷ niệm xúc động về người bạn đồng nghiệp một thời: "Năm 1979, Lệnh tổng động viên được ban hành, anh em lên đường vào quân ngũ. Riêng Tự, hắn được tạm hoãn vì lý do gia cảnh. Hắn là con một, lại là con liệt sĩ. Hắn đã viết đơn bằng máu xin được đi đánh giặc nhưng trên không cho. Tức tưởi hắn khóc ngon lành trước mặt những thầy, cô đồng nghiệp...".
Người thầy có vẻ ngoài mạnh mẽ ấy đã có lần khóc như thế!
Sau thời gian công tác ở ngành giáo dục, thầy Tự được cấp trên cho đi đào tạo tiếp tục, rồi được bầu làm Bí thư Huyện Đoàn Duy Xuyên năm 1987. Bắt đầu từ đó, thầy đã thực hiện ấp ủ của mình, kết hợp mở các lớp dạy võ để phát triển thể chất cho thanh thiếu niên. Tại Câu lạc bộ Karate của thầy, đã có nhiều võ sinh trưởng thành, sau này đoạt nhiều giải cao, trở thành huấn luyện viên đóng góp cho phong trào võ thuật tỉnh nhà.
Tỉnh Quảng Nam tái lập (1997), thầy Tự được cấp trên điều động làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục Thể thao - nơi huấn luyện, đào tạo vận động viên, thuộc Sở Thể dục Thể thao. Những năm đầu khi tỉnh mới được tái lập với biết bao khó khăn: phải thuê nhà ở tập thể, phòng tập, sân bãi, phương tiện còn hạn chế nhưng được thầy Tự dẫn dắt, "tiếp lửa" các huấn luyện viên, vận động viên Quảng Nam đã vượt qua khó khăn, miệt mài tập luyện để đạt được những kỳ tích tại các đấu trường trong nước, khu vực, quốc tế ở nhiều môn thể thao.
Tác giả cùng thầy Nguyễn Thành Tự
Giữ lễ đạo của con nhà võ
Cùng với phát triển võ thuật, thầy Tự chăm lo phát triển đồng đều các môn thể thao khác; phối hợp xây dựng các tổ chức thể thao phong trào tại các địa phương, trường học, từ lúc thầy còn làm hiệu trưởng và cho đến sau này khi làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Với nhiều thế hệ vận động viên Quảng Nam và những người làm công tác văn hóa - thể thao cơ sở chúng tôi, hình ảnh thầy Tự luôn khắc sâu trong tim với bao kỷ niệm yêu thương, tự hào.
Năm 2016, sau khi nghỉ hưu, thầy Tự được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Karate tỉnh. Thầy cùng với liên đoàn đưa bộ môn võ karate về các địa phương, vào trường học để phát triển thể chất cho thế hệ trẻ, góp phần phát triển lực lượng quốc phòng. Đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có trên 2.000 võ sinh tập luyện ở 50 câu lạc bộ; trong đó có 15 trường học tổ chức câu lạc bộ phát triển thường xuyên.
Võ sinh Quảng Nam đều biết đến người thầy tóc bạc trắng, tuy đã về hưu nhưng vẫn luôn có mặt ở các kỳ thi thăng đai, đẳng, tại các lớp võ từ đồng bằng đến miền núi và liên tục tổ chức các giải đấu karate hằng năm trên địa bàn tỉnh, giúp các võ sinh rèn luyện thường xuyên.
Trong mỗi sự kiện văn hóa - thể thao của tỉnh nhà, các cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên luôn mong muốn thầy Tự tham dự, để được nghe những lời hướng dẫn, động viên gần gũi, tâm huyết của thầy.
Học trò thầy Tự khi bước vào đời luôn noi gương thầy, mang theo hành trang: lễ - văn, đạo - võ. Những học trò năm nào giờ đây có người tóc đã bạc như tôi đang tiếp tục sự nghiệp trồng người; có những em đã từng là nhà vô địch châu lục, thế giới, nay rất thành đạt, vẫn luôn giữ lễ, giữ đạo làm người - giữ lễ, giữ đạo của con nhà võ...
Kỷ niệm xúc động
"Tôn sư trọng đạo" là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền thống ấy luôn được thầy Tự trân trọng, gìn giữ từ những việc nhỏ nhất. Câu chuyện thầy Tự với sư huynh ở Huế sau dịp 20-11 năm ngoái đã làm nhiều học trò xúc động. Đoàn đại biểu tham dự Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ IX - 2022 của tỉnh Quảng Nam, trên đường trở về, tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu ở TP Huế. Đến giờ khai mạc, mọi người đông đủ, không khí vui nhộn nhưng vẫn chưa thấy thầy Tự. Lúc đó, trưởng đoàn thông báo từ chiều khi mới đến nơi, thầy Tự đã xin phép đoàn, rồi gọi xe ôm đi thăm các sư huynh nay đã già yếu mà một thời cùng tập luyện tại Võ đường số 8 Võ Tánh. Đến giữa chương trình, thầy trở về, việc đầu tiên là lên chúc mừng các huấn luyện viên, cán bộ ngành thể dục thể thao cùng các đại biểu và hát tặng bài "Huế thương"...
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH