Hôm nay (4/7), Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tọa đàm về Luật Nhà giáo với cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT.
Tại hội nghị, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã thông tin về tiến độ triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, các chính sách, cấu trúc dự thảo Luật Nhà giáo cùng một số nội dung đã được trao đổi, góp ý trong quá trình triển khai.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho biết ban hành Luật Nhà giáo là mong muốn của Bộ GD&ĐT cũng như đội ngũ nhà giáo trên toàn quốc trong nhiều năm qua. Đây là việc làm cấp bách và cần thiết cùng những căn cứ phù hợp với thực tiễn.
Vì vậy, để dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, ban hành và áp dụng hiệu quả vào thực tế, các ý kiến đóng góp của các cá nhân, đơn vị có liên quan là rất quý báu. Đó là cơ sở để Ban soạn thảo có những điều chỉnh, bổ sung hợp lý theo đúng thẩm quyền, quy định trước khi trình Chính phủ, Quốc hội.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã trực tiếp tổ chức, đặt hàng các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để xin ý kiến chuyên sâu về các nội dung chính sách trong dự thảo luật như quản lý Nhà nước về nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về Nhà giáo; chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, chế độ, chính sách đối với nhà giáo ngoài công lập, chế độ, chính sách đối với nhà giáo giáo dục thường xuyên…
Tại hội nghị, cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đã trao đổi, góp ý, nêu ý kiến, đề xuất liên quan đến quy định tại các điều, khoản của dự thảo Luật Nhà giáo. Tập trung vào một số nội dung như: chính sách cho một số mô hình, đối tượng nhà giáo đặc thù; đối chiếu một số quy định giữa Luật Viên chức, Luật Giáo dục với Luật Nhà giáo; quy định về cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo; các quy định liên quan đến thời hạn, thuật ngữ…
Đánh giá cao các ý kiến của cán bộ, công chức Bộ GD&ĐT đóng góp tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định, các ý kiến đóng góp vừa là nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, vừa là tình cảm đối với đội ngũ trong ngành của mình. Qua trao đổi, các cán bộ, công chức đã đóng góp ý kiến từ những góc nhìn, khía cạnh khác nhau, giúp cho Ban soạn thảo có những tiếp thu, bổ sung, điều chỉnh hợp lý trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo.
Nhấn mạnh đây là vấn đề mới, khó, Thứ trưởng cho rằng, việc trao đổi kỹ lưỡng, có nghiên cứu sâu sát của đội ngũ cán bộ, công chức ở các đơn vị là thể hiện, phát huy trí tuệ tập thể, thông qua đó có nhiều ý kiến, nội dung, góc nhìn mới và mỗi ý kiến là một góp ý quý báu cho vấn đề.
Cùng với đó, Thứ trưởng lưu ý Ban soạn thảo tổng hợp đầy đủ các ý kiến, nội dung để bổ sung, điều chỉnh hợp lý, đúng quy định.