Đà Lạt hướng tới thành phố sáng tạo của UNESCO

Admin

Đà Lạt mộng mơ, thành phố ngàn hoa, thành phố sương mù... là những “thương hiệu” của thành phố bản sắc này. Khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, phong cách người Đà Lạt… chính là những giá trị cơ bản của xứ sở này, tạo nên cảm xúc thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật.

1-quang-canh-9636-1686277554.jpg

Quang cảnh hội thảo.

Ngày 8/6, tại thành phố Đà Lạt, Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Tham vấn xây dựng hồ sơ thành phố Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của 150 đại biểu trong nước và quốc tế, nhằm đóng góp ý kiến cho việc xây dựng hồ sơ thành phố Đà Lạt tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.

2-daibieuus-7998-1686277582.jpg

Đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.

Phát biểu đề dẫn, Tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, nét đẹp của Đà Lạt về cảnh quan tự nhiên, kiến trúc và văn hóa, trở thành yếu tố thu hút nhiều người đến tìm hiểu thành phố. Từ đó, Đà Lạt trở thành nơi giao thoa đa dạng lối sống và biểu đạt văn hóa, tạo nên một không gian và cộng đồng nghệ thuật sống động.

Đà Lạt được định hướng trở thành đô thị sinh thái. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, thành phố xem văn hóa và sáng tạo là cốt lõi và động lực phát triển. Trong đó, âm nhạc đóng vai trò chiến lược trong việc huy động mạng lưới các chủ thể và dịch vụ văn hóa để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Đà Lạt.

3-tiet-muc-bieu-dien-cua-nhung-chang-trai-co-gai-nam-tay-nguyen-4763-1686277607.jpg

Tiết mục âm nhạc mang âm hưởng đại ngàn tại hội thảo.

Trên tinh thần tôn trọng nguyên tắc và giá trị cốt lõi của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN), các hoạt động gắn với thành phố sáng tạo đòi hỏi sự tham gia tích cực, chủ động và sự đóng góp của nhiều chủ thể, bao gồm các nhà quản lý, nghệ sĩ, người thực hành văn hóa và sáng tạo, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và công chúng…

Vì vậy, việc tổ chức hội thảo tham vấn sẽ góp phần thúc đẩy sự tham gia, chia sẻ thông tin và đóng góp ý kiến của các bên liên quan vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hồ sơ của Đà Lạt gia nhập UCCN.

Tại hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế tập trung thảo luận, kiến giải các chuyên đề, như mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO - tầm nhìn, nguyên tắc và kinh nghiệm thực tiễn; Âm nhạc kết nối - lộ trình và sáng kiến thành phố Đà Lạt gia nhập UCCN.

Trong đó, tập trung thảo luận các nội dung chính, như mục tiêu, ý nghĩa, vai trò và các nguyên tắc của UCCN; kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng hồ sơ gia nhập UCCN; dự thảo hồ sơ của Đà Lạt đăng ký gia nhập UCCN trong lĩnh vực âm nhạc và thu nhận các phản hồi, ý kiến đóng góp cho dự thảo hồ sơ này.

4-buoi-trinh-dien-nghe-thuat-am-nhac-tai-khong-gian-sang-tao-pho-ben-doi-7175-1686277634.jpg

Buổi trình diễn nghệ thuật âm nhạc tại Không gian sáng tạo Phố bên đồi, Đà Lạt. (Ảnh: Phố bên đồi)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú chia sẻ, năm 2023 có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng đối với chính quyền và nhân dân thành phố, dấu mốc Đà Lạt nhìn lại chặng đường tròn 130 năm hình thành và phát triển (1893-2023).

Chính quyền và nhân dân thành phố Đà Lạt hy vọng, việc phát huy các giá trị của âm nhạc sẽ giúp củng cố hình ảnh của thành phố là nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên, bảo tồn và phát huy đồng thời đa dạng văn hóa và đa dạng sinh học rộng rãi hơn nữa, vượt ra bên ngoài ranh giới của thành phố.

UCCN được khởi xướng năm 2004, với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố lấy sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững. Tập trung vào nhiều lĩnh vực sáng tạo đa dạng, các thành phố thuộc UCCN cùng cam kết đóng góp vào tầm nhìn chung của mạng lưới thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, phát triển quan hệ đối tác, tôn trọng sự đa dạng và bảo đảm sự tích hợp của văn hóa, sáng tạo vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đến nay, 301 thành phố đã gia nhập mạng lưới này, trong đó có 61 thành phố đăng ký với lĩnh vực âm nhạc.

5-chieu-nhac-tren-may-cua-may-lang-thang-da-lat-6102-1686277659.jpg

“Chiều nhạc trên mây” của Mây lang thang-Đà Lạt. (Ảnh: Mây lang thang)

Tại Việt Nam, Hà Nội là thành phố đầu tiên gia nhập UCCN vào năm 2019, Đà Lạt và 8 thành phố khác đã tham gia đề án “Phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO”, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trong năm 2021-2022.

Trong khuôn khổ đề án này, quá trình nghiên cứu, đánh giá kĩ lưỡng tiềm năng, thế mạnh và thực trạng phát triển của Đà Lạt, cùng mục tiêu chiến lược của thành phố trong thời gian tới, giúp khẳng định tính khả thi của việc xây dựng hồ sơ đăng ký gia nhập UCCN của Đà Lạt với tư cách là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc.

6-ban-nhac-noi-tieng-7692-1686277684.jpg

Dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng quốc tế Bucharest Symphony Orchestra (Romania) tại Lễ hội âm nhạc quốc tế Hoa Sen SoundFest 2023, tổ chức lần đầu tại Đà Lạt.

Thành phố Đà Lạt dự kiến chọn 3 sáng kiến quốc tế, gồm hòa âm cồng chiêng Đông Nam Á, xưởng âm thanh Đà Lạt, tuần lễ âm nhạc quốc tế Langbiang và dự án du ca với đại ngàn, nhằm đạt được các mục tiêu mạng lưới cấp quốc tế.