Đại biểu Quốc hội: Thế nào là “không hợp thức hóa các vi phạm” dự án bất động sản?

Admin

Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần làm rõ thế nào là không hợp thức hóa các vi phạm đối với các dự án bất động sản để địa phương làm cơ sở triển khai

Ngày 28-10, thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) quan tâm đến vấn đề rà soát pháp lý của dự án bất động sản.

Đại biểu Quốc hội: Thế nào là “không hợp thức hóa các vi phạm” dự án bất động sản?- Ảnh 1.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn thảo luận tại hội trường ngày 28-10. Ảnh: Hồ Long

Theo ông An, tại dự thảo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn nội hàm, không hợp thức hóa các vi phạm để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi pháp luật.

Về vấn đề này, đại biểu An cho biết thực tế ở các địa phương sẽ rất lúng túng vì không biết thế nào là "hợp thức hóa các vi phạm", mặc dù đã có nhiều các tổ chức, cá nhân liên quan vừa qua đã được xử lý. "Đây là vấn đề lớn, cần báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương để có thể thực hiện được"- ông An nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) cũng nhấn mạnh cần phải làm rõ thêm về quan điểm không hợp thức hóa các vi phạm để có cơ sở giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn đọng đối với các dự án bất động sản trong thời gian vừa qua.

Theo đại biểu Hoàn, nếu chúng ta không quyết liệt để rà soát từng dự án, có giải pháp tháo gỡ đối với từng dự án trên quan điểm nội dung nào cần phải sửa đổi, bổ sung theo quy định của pháp luật, nội dung nào cần xử lý bằng bản án, quyết định của cơ quan thẩm quyền thì cuối cùng vẫn để dự án đó tiếp tục dở dang, nằm phơi nắng, phơi mưa, nguồn lực xã hội vẫn tiếp tục đắp chiếu để đó.

"Do đó, việc không hợp thức hóa sai phạm cần phải được làm rõ về nội hàm và đây là một vấn đề rất phức tạp, bởi khó có thể có một quy định chung đúng cho tất cả các trường hợp"- đại biểu Hoàn nhấn mạnh.

Theo quan điểm của đại biểu Hoàn, cần phải xác định nếu hành vi vi phạm pháp luật là nghiêm trọng thì phải triệt để cưỡng chế, khắc phục vi phạm, chế tài mạnh, như sung công hay phá dỡ triệt để. Mặt khác, nếu thực sự do pháp luật không phù hợp mà cần sự chỉnh sửa, bổ sung và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì nên hồi tố để miễn trừ trách nhiệm, nhưng cũng cần có giải pháp để hài hòa lợi ích, đặc biệt chú trọng đến lợi ích của người dân, cộng đồng và nhà nước.

Vị đại biểu đoàn Thanh Hóa đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cần quyết liệt vào cuộc, rà soát từng dự án và đưa ra giải pháp xử lý cụ thể đối với từng dự án để chấm dứt tình trạng này.

Đại biểu Quốc hội: Thế nào là “không hợp thức hóa các vi phạm” dự án bất động sản?- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An. Ảnh: Hồ Long

Đồng quan điểm với đại biểu Hoàn, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng nhấn mạnh phải có cơ chế phù hợp, dứt điểm giải quyết những dự án đang còn tồn đọng. Đồng thời, cần phải hướng dẫn rõ nội hàm thế nào là không hợp thức hóa sai phạm các vi phạm, như phát biểu của đại biểu Lê Thanh Hoàn trước đó.

Theo ông An, rất nhiều thông báo, kết luận của Chính phủ, kể cả các cấp khi đưa ra bao giờ có một câu ở dưới là không hợp thức hóa sai phạm. "Nếu chúng ta cứ chung chung như thế này và không diễn giải ra thì rất khó. Ở Đồng Nai, có những dự án hàng tỉ đô, nhưng chỉ liên quan tới việc sai phạm có thể do nhận thức, kể cả sai phạm của doanh nghiệp và có cả những thiếu sót của chính quyền"- đại biểu An nêu thực tế.

Như vậy, đại biểu An đặt vấn đề sai phạm nào của doanh nghiệp thì chúng ta phải xử lý nhanh, phải xử lý dứt điểm để doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh, còn những gì thiếu sót của chính quyền thì phải làm ngay, phải xử lý ngay để cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, qua giám sát cũng nêu các dự án đang vướng mắc về pháp lý, nhưng đại biểu Trịnh Xuân An băn khoăn chưa có danh mục cụ thể. Ông cho rằng để phòng chống lãng phí, cần hình thành một danh mục rất đầy đủ các dự án đang vướng mắc, dang dở, gây lãng phí hiện nay.

Về xử lý các dự án có vướng mắc, bất cập, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng vi phạm có thể do nhận thức, có thể do cách hiểu pháp luật, nhưng nếu không làm sai tổng thể đến quy hoạch, không ảnh hưởng về mặt đô thị, về mặt dân cư và không phải vi phạm mang tính chất chủ quan thì chúng ta nên hạn chế việc yêu cầu doanh nghiệp phải phá dỡ công trình, sẽ gây lãng phí vì hàng trăm tỉ đồng đã đổ vào dự án.

Thị trường bất động sản cũng gắn với an ninh trật tự, gắn với quyền lợi của khách hàng, nên đại biểu Trịnh Xuân An kiến nghị phải rất coi trọng vấn đề này để đánh giá đầy đủ, bảo đảm quyền của người dân và của doanh nghiệp.