Tại hội thảo "Gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ", do Đại học Đà Nẵng tổ chức ngày 15/11, GS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng kinh tế chỉ có thể phát triển nhộn nhịp ở những khu vực có lợi thế nhân lực chất lượng cao và lao động dồi dào.
Theo ông, phải đào tạo nguồn nhân lực trước, sau đó mới thu hút đầu tư, thay vì chờ đợi có nhu cầu mới đào tạo, sẽ dẫn đến chậm trễ.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng không thể chờ thị trường cần mới bắt đầu đào tạo nhân lực mà phải có sự đón đầu. Trở thành đại học quốc gia là mục tiêu mà Đại học Đà Nẵng hướng tới, nhưng đi cùng với quá trình này là sự cạnh tranh về quỹ đầu tư, công nghệ, thu hút, giữ chân sinh viên giỏi.
"Đại học Đà Nẵng phải có sự gắn kết với chính quyền các địa phương, doanh nghiệp để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu nhưng đồng thời cũng thực hiện chuyển giao công nghệ", ông Sơn nói. Ngoài ra, theo ông, trường cần gắn kết với cả giáo dục phổ thông để có sự định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị nguồn nhân lực cho khối STEM vốn rất quan trọng cho sự phát triển của vùng.
Đây cũng là ý kiến của GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Quân nhìn nhận với đào tạo tài năng, cần có sự ươm mầm, bồi dưỡng ngay từ bậc học phổ thông.
"Rất cần có sự liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học với các trường phổ thông để vừa hướng nghiệp, vừa bồi dưỡng các kỹ năng nghiên cứu cho những học sinh xuất sắc", ông Quân cho biết.
Ngoài ra, ông Ga nhận định các đại học phải xây dựng lại chương trình đào tạo phù hợp với bối cảnh mới, hướng tới kiến thức rộng, kỹ năng thích nghi tốt, bởi vì một nghề thịnh hành ở thời điểm hiện tại nhưng 5-7 năm nữa chưa chắc đã tồn tại.
"Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để sử dụng chương trình đào tạo của các trường tiên tiến, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai để sinh viên tiếp cận được các kiến thức chuyên môn bằng tiếng Anh", ông nói.
Báo cáo tại hội thảo cho biết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ hiện có 44 cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, phần lớn có quy mô đào tạo nhỏ, lẻ; nguồn lực đầu tư hạn chế, đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, các trường đại học địa phương gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, dẫn đến lãng phí nguồn lực giáo dục.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng cơ cấu đào tạo, tỷ trọng sinh viên theo các ngành STEM của các trường đại học trong vùng đang thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước. Trong khi đó nhiều ngành công nghiệp cần lực lượng lao động trong lĩnh vực này như cơ khí, hóa dầu,... lại là các ngành kinh tế mũi nhọn ở đây.
Bà Thủy đề xuất đổi mới công tác dự báo, trong đó xác định cụ thể chỉ tiêu từng giai đoạn, lồng ghép nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội để lập kế hoạch thực hiện phát triển giáo dục đại học.