Đại học có thể kiếm tiền ngoài học phí thế nào?

Admin

Mỗi sinh viên chi tiêu 4-5 triệu một tháng, đại học quy mô 30.000 sinh viên có thể thu hàng nghìn tỷ đồng từ dịch vụ, hơn nhiều so với học phí, nhưng chưa khai thác được.

Ông Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM nêu ý kiến nhằm giải bài toán nguồn thu cho đại học khi ngân sách không còn.

Theo khảo sát của nhóm chuyên gia World Bank, học phí chiếm đến 77% nguồn thu của các trường đại học, năm 2021. Đây là con số đáng lo. Phụ thuộc nhiều vào học phí sinh viên khiến trường tìm cách tăng quy mô tuyển sinh, chấp nhận hy sinh chất lượng đào tạo đồng thời tạo bất bình đẳng trong xã hội khi cơ hội vào đại học ngày càng hẹp với học sinh nghèo.

Về lâu dài, điều này tác động đến sự phát triển vùng miền do sai lệch trong phân bổ nhân lực. Đa số các trường đại học top trên với học phí cao chỉ dành cho con nhà giàu ở thành phố lớn. Vùng sâu vùng xa thiếu nhân lực để phát triển.

Ngoài học phí, nguồn thu của các trường đại học có thể đến từ kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; tài trợ, hiến tặng; thu dịch vụ, kinh doanh, đầu tư và ngân sách. Nhưng thực tế, các trường đại học ở Việt Nam không tạo ra được nguồn thu nào đáng kể ngoài học phí sinh viên.

Hiện, kết quả thu được từ nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ của các trường quá kém. Nguyên nhân chính là các trường không đầu tư, tập trung cho mục đích nghiên cứu khoa học. Khối lượng công việc chính của giảng viên, chuyên gia ở trường đại học vẫn là giảng dạy. Thời gian, tâm trí, sức lực cho nghiên cứu khoa học không có, chưa nói đến nghiên cứu hiệu quả. Nhiều trường đưa ra chính sách khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học như muối bỏ bể, không thực chất và tạo ra đột phá.

Mặt khác, để đáp ứng nghiên cứu, trường phải đầu tư phòng lab hiện đại. Ngân sách không tài trợ buộc trường lấy kinh phí từ nguồn thu học phí nên đầu tư nhỏ giọt. Khi nghiên cứu không hiệu quả, trường không thể bán thành quả nghiên cứu và chắc chắn doanh nghiệp, xã hội không đặt hàng. Nếu giảm giờ dạy cho giảng viên, trường buộc phải tuyển thêm người, chi phí tăng. Bài toán này đi vào một vòng lẩn quẩn không lối thoát và sẽ bế tắc hàng chục năm nữa đến khi doanh nghiệp chủ động kết hợp nghiên cứu hoặc đặt hàng.

Trong khi đó, văn hóa tài trợ, hiến tặng cho đại học ở Việt Nam chưa đủ mạnh. Ở Mỹ và một số nước phát triển, nguồn tiền từ tài trợ, hiến tặng là một khoản lớn của các đại học. Với những ngôi trường nổi tiếng như Harvard, Yale và Princeton, 1/3 ngân sách hoạt động đến từ nguồn này. Các đại học ở Mỹ đưa chúng vào một quỹ riêng và có cơ chế đầu tư, kinh doanh sinh lời.

Ở Việt Nam, duy nhất Đại học Fulbright nhận được khoản tiền lớn - 40 triệu USD từ 8 doanh nhân ở Việt Nam. Các trường khác cũng được cựu sinh viên, doanh nghiệp tài trợ nhưng chủ yếu dưới dạng học bổng, thiết bị thực hành, không đủ lớn để được coi là nguồn thu cho trường đại học. Không còn cách nào khác, lãnh đạo các trường phải chủ động kết nối, xin tài trợ từ doanh nghiệp - những đơn vị hưởng lợi từ kết quả đào tạo của nhà trường - với tinh thần được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Như vậy, hai nguồn thu rất phổ biến với các đại học thế giới thì ở Việt Nam rất khó khai thác.

Tuy nhiên, theo tôi, một nguồn thu rất lớn, có thể gấp đôi, gấp ba học phí sinh viên mà chưa trường đại học nào ở Việt Nam khai thác được là các dịch vụ ăn, ở, sinh hoạt của sinh viên.

Mỗi sinh viên lên thành phố học tập, trung bình chi tiêu khoảng 4-5 triệu mỗi tháng. Một trường đại học có quy mô khoảng 30.000 sinh viên, khoản tiền thu được từ dịch vụ này là 1.500 tỷ mỗi năm. Nếu tính thêm hoạt động mua bán, sửa chữa xe, laptop và các dịch vụ tiện ích đi kèm khác, nguồn thu này có thể lên đến 2.000 tỷ mỗi năm. Hiện nay, các trường đại học chỉ khai thác được "miếng bánh" rất nhỏ trong số kể trên là dịch vụ căn tin, gửi xe trong trường, còn lại người dân xung quanh trường hưởng lợi từ thị trường này. Rào cản từ cơ sở vật chất, đội ngũ vận hành, cơ chế kinh doanh và những rủi ro đi kèm khiến các trường "bỏ mặc" thị trường này.

Làm một phép tính nhanh, nếu học phí trung bình của sinh viên là 25 triệu mỗi năm, tổng thu từ học phí của một trường đại học 30.000 sinh viên khoảng 750 tỷ. Như vậy, nguồn thu từ dịch vụ sinh viên gần gấp ba học phí. Cộng thêm những nguồn thu nhỏ lẻ khác, trường có khoảng 2.900 tỷ đồng.

Chi phí trả lương cho cán bộ, giảng viên khoảng 500 tỷ, vận hành và đầu tư cơ sở vật chất khoảng 400 tỷ và thêm 100 tỷ cho các chi phí khác như nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên. Trừ các chi phí, trường đại học với quy mô này sẽ lãi khoảng 1.900 tỷ, tức 65%. Chưa kể nếu tiết kiệm chi phí điện, nước, cây xanh, vệ sinh môi trường, trường cũng có thêm khoảng chục tỷ mỗi năm.

Sinh viên học bài trong thư viện Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, tháng 11/2018. Ảnh: Thành Nguyễn

Sinh viên học bài trong thư viện Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, tháng 11/2018. Ảnh: Thành Nguyễn

Nhiều ý kiến đòi hỏi ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ cho giáo dục đại học nhiều hơn thông qua các đơn đặt hàng nghiên cứu, dịch vụ, nhưng tôi nghĩ ngược lại. Một mặt các trường đòi hỏi tự chủ mặt khác vẫn muốn Nhà nước hỗ trợ ngân sách, điều này có phần mâu thuẫn. Các trường đại học phải tìm cách vận động, không thể phụ thuộc vào "bầu sữa mẹ" ngân sách và học phí.

Tỷ lệ sinh của Việt Nam ngày càng thấp, dần dần số sinh viên vào đại học hàng năm sẽ giảm. Cộng thêm sự xuất hiện của AI, cơ hội việc làm sẽ ít đi, việc khó tuyển sinh là điều xảy ra trong tương lai gần. Nếu không năng động phát triển các nguồn thu khác mà chỉ dựa vào học phí, lâu dài các đại học sẽ rơi vào suy thoái.

Nhà nước cần có cơ chế thoáng hơn, cho phép các trường kinh doanh, đầu tư bên cạnh đào tạo và nghiên cứu khoa học. Có như thế, các trường mới có thể xoay xở, mở rộng nguồn thu, duy trì phụ thuộc 50% vào học phí là lý tưởng.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng
nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM