Đại học dạy sinh viên kiếm tiền từ mạng xã hội

Admin

MỹNhiều đại học mở khóa học về sáng tạo nội dung số, dạy sinh viên biên tập, phân tích, làm việc với máy quay để có thể kiếm tiền từ mạng xã hội.

Đại học Đông Carolina, nơi Youtuber giàu nhất thế giới - MrBeast từng theo học, dự kiến mở khóa học trực tuyến về sáng tạo nội dung, tập trung đào tạo các kỹ năng như biên tập, phân tích và làm việc với máy quay. Người học sẽ được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học.

Philip Rogers, hiệu trưởng Đại học Đông Carolina, nói mục tiêu của khóa học là "đáp ứng nhu cầu của ngành kinh tế sáng tạo vào thời điểm quan trọng". Theo ông, ngành này đang phát triển nhanh chóng, nhu cầu về lực lượng lao động chuyên nghiệp cũng tăng theo. Việc tìm kiếm những nhân viên vừa có tính kiên trì, năng khiếu vừa có kiến thức kỹ thuật là một thách thức.

Trường cho biết người sáng tạo nội dung hiện có mức lương khởi điểm là 50.000 USD (1,2 tỷ đồng một năm). Còn theo HypeAuditor, một nền tảng phân tích phương tiện truyền thông, những người siêu ảnh hưởng (mega-influencer) thu về trung bình 184.000 USD mỗi năm từ tài trợ, bán hàng và lượt đăng ký trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram hay Youtube. Riêng Mr.Beast, cựu sinh viên Đại học Đông Carolina, có tài sản trị giá 500 triệu USD theo ước tính của Forbes.

Một số mạng xã hội phổ biến. Ảnh: Mint

Một số mạng xã hội phổ biến. Ảnh: Mint

Nhiều đại học khác cũng mở khóa học tương tự để sinh viên thích ứng và phát triển trong ngành công nghiệp sáng tạo.

Đại học Northwestern và Đại học Maryland có khóa học về truyền thông xã hội; trường Kinh tế Wharton của Đại học Pennsylvania giảng dạy những kiến thức cơ bản về tiếp thị số, truyền thông xã hội và thương mại điện tử. Thậm chí, Đại học bang Arizona hay Grand Canyon còn đưa các nội dung sáng tạo này vào chương trình cử nhân và thạc sĩ.

"Ở một số trường, truyền thông xã hội là học phần của khoa Kinh doanh hay khoa Truyền thông. Còn chúng tôi đào tạo những nhà thiết kế, hay bất cứ ai sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Chẳng trường nào làm như vậy", Sheila Schumacher, trưởng bộ môn Kỹ thuật số tại trường Nhân văn và Truyền thông, Đại học Grand Canyon, chia sẻ.

Bà đánh giá việc mở các khóa học về truyền thông xã hội là rất hợp lý vì sinh viên chủ yếu giao tiếp thông qua các nền tảng mạng xã hội. Thế hệ cử nhân đầu tiên của chuyên ngành Truyền thông xã hội sẽ tốt nghiệp vào đầu năm 2024, sau khi được học về thiết kế, viết và sản xuất nội dung cho mạng xã hội, blog, trang web và tiếp thị qua email.

"Bộ kỹ năng này rất đáng giá", Robert Kozinets, giáo sư Báo chí ở Đại học Nam Carolina, nói. Đứng lớp môn Quan hệ với người ảnh hưởng, ông không dạy các kỹ năng thực tiễn như lên kịch bản, biên tập, thiết kế ánh sáng và âm thanh, mà tập trung giúp sinh viên hiểu thế nào là người ảnh hưởng và truyền thông xã hội.

Dù vậy, nhiều chuyên gia tỏ ra thận trọng với ý tưởng này. Họ cho rằng các đại học không nên chỉ vì nhu cầu của sinh viên mà chăm chăm đào tạo truyền thông xã hội, bỏ qua các kỹ năng khác.

"Tôi không muốn một lớp học toàn sinh viên nghĩ rằng 'đây là tất cả những gì mình cần, chỉ học môn này là xong'", Metthew Taylor, phó giáo sư Báo chí ở Đại học miền Trung bang Tennessee, nói.

Ông khuyên các trường trang bị cho sinh viên những kiến thức thực sự có giá trị và hướng dẫn họ cách ứng dụng khi làm quảng cáo, quan hệ công chúng hay kinh doanh.

Phương Anh (Theo Times Higher Education, ECU News)