Đại học đổi giáo trình với thí sinh theo chương trình mới

Admin

Khánh HòaĐại học Nha Trang sẽ thay đổi nội dung đào tạo sau khi lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp.

Thông tin được nêu tại Hội thảo "Đổi mới tuyển sinh đại học nhằm thích ứng với chương trình Giáo dục phổ thông mới" do Đại học Nha Trang tổ chức, ngày 5/11.

TS Ngô Đăng Nghĩa, giảng viên cao cấp trường Đại học Nha Trang, cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) có nhiều thay đổi, từ mục tiêu, nội dung, thời lượng, sách giáo khoa, phương pháp dạy học,... so với chương trình năm 2006. Do đó, các trường đại học cần nghiên cứu kỹ và đối chiếu với chương trình đào tạo để hỗ trợ tân sinh viên.

"Cần làm thế nào để tân sinh viên cập nhật, trang bị thêm các kiến thức nền tảng trong thời gian ngắn, để theo kịp các bài giảng cơ sở và chuyên ngành sau này", ông Nghĩa nói.

Trường Đại học Nha Trang sẽ áp dụng chương trình giáo dục tổng quát mới. Các học phần lâu nay được dạy với trình độ học thuật cao và nhiều lý thuyết khó sẽ được biên soạn lại để sinh động và dễ hiểu hơn. Các phép tính khó được lược bớt, tập trung nhiều hơn vào bài tập và thực hành.

Trường cũng dự kiến tổ chức các lớp bổ sung kiến thức cho tân sinh viên chưa có nền tảng về Khoa học tự nhiên như Vật lý, Hóa học, Sinh học...

TS Ngô Đăng Nghĩa, Đại học Nha Trang, nói về tầm quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Bùi Toàn

TS Ngô Đăng Nghĩa, Đại học Nha Trang, tại hội thảo ngày 5/11. Ảnh: Bùi Toàn

2025 là năm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp. Các em sẽ thi bốn môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ Văn, hai môn lựa chọn trong các môn: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ.

Vì thế, phương án tuyển sinh và các tổ hợp xét tuyển đại học dự kiến cũng thay đổi.

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lăk, nhìn nhận không dễ để học sinh tự lựa chọn môn học phù hợp với đặc điểm tâm lý, năng lực, sở trường. Lý do là nhiều môn theo chương trình mới chưa đủ giáo viên và cơ sở vật chất.

Theo khảo sát, khoảng 70% học sinh ở Đăk Lắk lựa chọn các môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội. Ông Hiệp đánh giá việc này có thể gây mất cân bằng về nhân lực. Ông đồng tình với phương án của Đại học Nha Trang là bổ trợ kiến thức ở một số môn học trong học kỳ đầu tiên cho sinh viên.

ông Đỗ Tường Hiệp, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lăk tại hội thảo. Ảnh: Bùi Toàn

ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lăk, tại hội thảo ngày 5/11. Ảnh: Bùi Toàn

Trường Đại học Nha Trang có 23 khoa, viện và trung tâm; 37 chuyên ngành, với hơn 15.000 sinh viên.

Cuối năm ngoái, trường công bố định hướng tuyển sinh năm 2025, dự kiến bỏ xét tuyển bằng học bạ hoàn toàn, mà kết hợp học bạ với điểm thi đánh giá năng lực hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trong đó, trường lấy điểm của học sinh ở một số môn nhất định trong ba năm THPT, tùy theo ngành đào tạo và phải đạt yêu tối thiểu.

Với điểm thi đánh giá năng lực, trường tập trung vào khả năng Toán (Toán, suy luận logic và xử lý số liệu); Ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) và Khoa học (giải quyết vấn đề). Riêng phần Khoa học, thí sinh được chọn phạm vi tương ứng với môn học đã học ở THPT và phù hợp với ngành đào tạo theo quy định của trường.

Bùi Toàn