Đắk Lắk đề nghị hỗ trợ, kiểm dịch thực vật tại chỗ cho trái sầu riêng

Admin

Mới đây, Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị hỗ trợ, kiểm dịch thực vật sầu riêng tại địa phương niên vụ 2023.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, đến nay sầu riêng các tỉnh đã sắp hết vụ thu hoạch, chỉ còn sầu riêng Đắk Lắk. Do vậy, việc tổ chức kiểm dịch thực vật cho sầu riêng xuất khẩu của tỉnh là hợp lý. Việc này sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc các lô hàng, ngăn ngừa tình trạng gian lận sử dụng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói.

Cụ thể, Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk đề nghị Cục Bảo vệ thực vật giao đơn vị trực thuộc Cục làm đầu mối, cử cán bộ, bố trí trang thiết bị chuyên ngành tổ chức kiểm dịch và làm thủ tục kiểm dịch tại địa phương cho các lô hàng của địa phương trong niên vụ 2023. Vì thời gian rất gấp, sầu riêng Đắk Lắk chuẩn bị bắt đầu thu hoạch, đề nghị Cục quan tâm, phối hợp hoàn thành các thủ tục, công tác chuẩn bị trước ngày 5/8.

Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk sẽ có trách nhiệm bố trí văn phòng làm việc, phòng để máy móc, trang thiết bị chuyên ngành cho đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại Đắk Lắk.

Trước đó, ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk đã có văn bản gửi Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk thông báo sau buổi làm việc với Cục Bảo vệ thực vật về việc đề nghị hỗ trợ làm thủ tục xuất khẩu lô sầu riêng của tỉnh trong niên vụ 2023.

Tại buổi làm việc, Cục Bảo vệ thực vật thống nhất cử cán bộ và bố trí trang thiết bị chuyên ngành tổ chức kiểm dịch và làm thủ tục kiểm dịch tại địa phương cho các lô hàng sầu riêng tỉnh Đắk Lắk. Đối với việc thành lập Trạm kiểm dịch thực vật phải hình thành tổ chức bộ máy nên chưa thực hiện được. Cục sẽ xem xét, báo cáo Bộ NN-PTNT.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, địa phương có hơn 22.000ha sầu riêng với sản lượng trên 200 nghìn tấn, thời gian thu hoạch từ cuối tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Việc kiểm dịch thực vật tại địa phương sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc vận chuyển, bảo quản và rút ngắn thời gian chờ, làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu.

Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025, diện tích sầu riêng ổn định trên 22.000ha, sản lượng trên 225.000 tấn. Địa phương tiếp tục mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, cấp mã số vùng trồng đạt trên 20% diện tích.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk năm 2022 là 22.458ha, chiếm 43,2% diện tích cây ăn quả, tăng 7.550ha so với năm 2021, sản lượng đạt 187.986 tấn, tăng 50.342 tấn so với năm 2021.  

Hiện nay, sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người trồng sầu riêng. Vì vậy, diện tích, sản lượng sầu riêng ngày càng tăng và bước đầu đã hình thành được một số vùng trồng quy mô lớn phục vụ nhu cầu cho xuất khẩu.   

Toàn tỉnh Đắk Lắk đã được phê duyệt 4 mã vùng trồng, với diện tích 1.819ha. Bên cạnh đó, tỉnh có 17 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Đáng nói, Đắk Lắk được đánh giá là địa phương có diện tích lớn nhất cả nước nhưng diện tích cho thu hoạch mới đạt khoảng 40%.

Trúc Chi (theo TTXVN, Nông Nghiệp)