Đắk Lắk xuất ngoại… xơ mướp

Admin

Không còn bị vứt bỏ lăn lóc sau vụ thu hoạch, xơ mướp giờ đây trở thành nguyên liệu tạo nên những sản phẩm tiện dụng, thân thiện với môi trường, là hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài. Cách làm của một doanh nhân trẻ ở Đắk Lắk đã góp phần tạo ra giá trị mới cho xơ mướp.


Trong chuyến khảo sát kết nối thị trường tại Đắk Lắk vào tháng 8 năm nay, ông Niick Ruzzo, lãnh đạo công ty VOS Advisory, ở Mỹ rất ấn tượng với các sản phẩm thời trang và đồ gia dụng từ xơ mướp. Ông Niick Ruzzo bày tỏ, các sản phẩm từ xơ mướp mới lạ, độc đáo và thân thiện với môi trường đã mở rộng thêm định hướng để ông kết nối đầu tư, liên kết kinh doanh.

“Tôi đã đến thăm một trong những trang trại của anh Nguyễn Phú Tùng để tận mắt chứng kiến quá trình trồng trọt và thực sự bị thuyết phục bởi tính nhẹ nhàng và đa năng của sản phẩm. Tôi rất hào hứng sẽ có cơ hội mở rộng thị trường và giới thiệu sản phẩm sáng tạo của anh đến với nhiều người hơn”, ông Niick Ruzzo nói.

Đắk Lắk xuất ngoại… xơ mướp- Ảnh 1.

Hiện nay, Công ty CP Loofaa đang sản xuất hơn 50 sản phẩm từ xơ mướp

Người mà ông Niick Ruzzo nhắc đến là anh Nguyễn Phú Tùng, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Loofaa, ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Theo anh Nguyễn Phú Tùng, Loofaa có nghĩa là “xơ mướp”. Qua việc tìm hiểu thị trường, anh Tùng nhận thấy xơ mướp là nguyên liệu có nhiều công dụng, dễ sử dụng và thân thiện với môi trường. Anh và các cộng sự đã nghiên cứu thiết kế sản phẩm, thành lập công ty để kết nối tiêu thụ.

Từ những sản phẩm ban đầu dùng trong nhà bếp như tấm lót nồi, lót li, miếng nhấc nồi, rửa chén, cây rửa ly... hay dùng trong nhà tắm như cây kỳ lưng, đai kỳ lưng, túi đựng xà phòng, bông tắm... trong quá trình sản xuất, các nhân viên còn sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo như túi xách, mũ, nón, ví, dép… Công ty còn tổ chức các cuộc thi thiết kế nhằm tìm ra những mẫu mã mới có giá trị thẩm mỹ cao.

“Hiện tại công ty có khoảng gần 50 sản phẩm. Thị trường tiêu thụ hiện tại là Pháp, Hong Kong. Các đối tác Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã về thăm vùng nguyên liệu, thăm công ty để cùng nhau hợp tác. Sản phẩm của công ty tập trung vào sản phẩm dùng cho nhà tắm cũng như nhà bếp và các đồ dùng thời trang như mũ, túi xách, lót dày,… được nhiều người quan tâm”, anh Nguyễn Phú Tùng cho biết.

Cũng theo anh Tùng, hiện tại, mỗi tháng công ty sản xuất hàng trăm nghìn bộ sản phẩm dùng cho nhà tắm, nhà bếp. Riêng đối với các sản phẩm thời trang số lượng ít hơn, tùy thuộc vào lượng đơn đặt hàng cũng như nguồn nguyên liệu. Do hiện nay nguồn nguyên liệu vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.

Để xây dựng vùng nguyên liệu, gần 2 năm qua, Công ty CP Loofaa đã liên kết với 8 hộ dân tại thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Krông Buk, trồng hơn 20ha mướp lấy xơ, ký hợp đồng bao tiêu với giá cam kết 5.000 đồng/quả. Chị H Wên Êban, ở phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, so với bán mướp non việc ký kết hợp đồng với công ty đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn.

“Trước đây ở nhà chỉ trồng rau quả bán, khi ký hợp đồng với công ty Loofaa mỗi năm trồng được 2 vụ mướp, một vụ thu được 30.000 trái, thu nhập thì tầm 300 triệu đồng/năm”, chị H Wên Êban cho biết.

Đắk Lắk xuất ngoại… xơ mướp- Ảnh 2.

Đối tác đến tham quan tìm hiểu vùng nguyên liệu sản xuất xơ mướp

Với quy mô sản xuất hiện tại, công ty Loofaa đang góp phần tạo việc làm ổn định cho 15 lao động, với mức lương từ 3-6 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Nguyệt Hồng, ở phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, làm việc tại đây cho biết, làm việc ở công ty được khoảng hơn 1 năm, công việc hằng ngày là may, cắt, thiết kế túi, mũ. “Công việc ở đây rất thoải mái, môi trường làm việc thân thiện, mọi người hòa đồng với nhau, mức lương khoảng 5-6 triệu đồng/tháng cũng ổn định”, chị Hồng cho hay.

Với việc sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới từ nguyên liệu xơ mướp, anh Nguyễn Phú Tùng và các cộng sự kỳ vọng góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh và bảo vệ môi trường, đồng thời tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với các sản phẩm hiện có, đơn vị cũng đang tìm tòi sáng tạo ra các sản phẩm mới để tăng thêm giá trị sử dụng của xơ mướp.