Bộ GD&ĐT mới đây đã ban kế hoạch rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục giai đoạn 2020-2024.
Theo đó, mục đích của hoạt động lần này là đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thực hiện Luật Giáo dục giai đoạn 2020 – 2024. Đồng thời xem xét các chính sách pháp luật liên quan để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục;
Nghiên cứu các nhiệm vụ, quy định mới trong các văn bản của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có liên quan đến lĩnh vực giáo dục để đề xuất các nội dung cần thể chế hóa trong Luật Giáo dục;
Nghiên cứu thực tiễn phát triển giáo dục trong khu vực và thế giới, ảnh hưởng của sự phát triển khoa học công nghệ tới đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục.
Bộ GD&ĐT yêu cầu việc rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục giai đoạn 2020 - 2024 phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan, thực chất và toàn diện; bảo đảm đúng nội dung, mục đích, tiến độ đề ra, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế;
Cùng với đó, chú trọng phân tích những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành (nếu có) và đề xuất giải pháp cụ thể;
Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực giáo dục.
Việc đánh giá được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, tại Bộ GD&ĐT, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, cơ quan quản lý cơ sở giáo dục. Mốc thời gian thông tin, số liệu đánh giá tính từ ngày 1/7/2020 đến ngày 30/6/2024.
Nội dung rà soát, đánh giá toàn diện các quy định trong Luật Giáo dục hiện hành và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc/trực thuộc Bộ GD&ĐT, đơn vị đầu mối của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, cơ quan quản lý cơ sở giáo dục triển khai thực hiện kế hoạch này.
Đồng thời tham mưu, giúp lãnh đạo Bộ hướng dẫn, đôn đốc việc tổ chức các hoạt động rà soát, đánh giá tại Bộ GD&ĐT. Kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch.
Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) chịu trách nhiệm rà soát, thẩm định bảo đảm kinh phí triển khai rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục giai đoạn 2020 2024 bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời thực hiện các nội dung công việc được phân công.