Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt về 40-50 năm trước

Admin

Đó là quan điểm của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa khi mặt hàng điều hoà nhiệt độ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngày 22-11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Về đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự thảo luật sửa đổi, quy định hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như: sửa đổi quy định mặt hàng điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt về 40-50 năm trước- Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại tổ ngày 22-11. Ảnh: Văn Phúc

Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh) để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định trong thời gian dài. Mức thuế áp cho mặt hàng điều hòa nhiệt độ là 10%.

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ vào sáng cùng ngày. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) đặt vấn đề hiện nay, điều hòa nhiệt độ có phải là mặt hàng xa xỉ hay không?

Theo đại biểu Nghĩa, hiện nay nhiều gia đình sử dụng điều hòa nhiệt độ, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này, có nghĩa đang "đẩy lùi sinh hoạt của Việt Nam về 40 - 50 năm trước".

"Nhiều người dân ở tại các nhà trọ, trời nóng bức, họ lắp điều hòa để sử dụng cho gia đình, con cái. Mặt khác, không phải lúc nào họ cũng sử dụng điều hoà, mà có tính thời điểm, nên đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý"- ông Trương Trọng Nghĩa nói.

Vị đại biểu đoàn TP HCM cũng nêu rõ thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Đồng thời, điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng.

"Với một nước khí hậu nhiệt đới như Việt Nam mà đưa điều hòa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì chúng tôi chưa hiểu lý do ở đây là gì. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, đưa mặt hàng này ra khỏi diện chịu thuế"- đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị.

Còn theo đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP HCM, hiện điều kiện kinh tế - xã hội đã phát triển, nhiều gia đình đủ điều kiện để mua điều hòa nhiệt độ sử dụng. Bên cạnh đó, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ cũng là chăm sóc, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ông Hoàng kiến nghị đưa điều hòa ra khỏi danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nhìn nhận việc sử dụng điều hòa nhiệt độ có gây ô nhiễm môi trường, song khi đời sống người dân được nâng lên thì dùng điều hòa là nhu cầu thiết yếu.

"Mùa hè nóng, nhất là ở thành phố thì liệu có chịu được khi không có điều hòa? Nhu cầu dùng điều hòa , vì vậy điều hòa có nên là mặt hàng có phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay không?"- đại biểu Nguyễn Quang Huân đặt vấn đề.

Về phía cơ quan thẩm tra dự thảo luật, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho biết một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ vì hiện nay, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ đã trở nên phổ biến, không còn là mặt hàng xa xỉ như trước đây.

Do đó, trong trường hợp vẫn tiếp tục thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ thì chỉ thu thuế đối với các loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC (là hợp chất chứa carbon, hydro, chlor và flour - PV) để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường hoặc phân loại theo công suất thiết kế và không thu thuế đối với loại điều hòa có công suất thiết kế được sử dụng phổ biến, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân.