Dạy liên kết tiếng Anh trong trường học: Trường từ chối “đắc tội” cấp trên

Admin

Dù không muốn tổ chức các tiết học môn liên kết nhưng nhiều trường vẫn phải “theo” dẫu biết điều này làm khó học sinh và phụ huynh.

Khi nhà trường cũng bị “dí”

Thời gian gần đây, vấn đề liên kết đào tạo trong nhà trường đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Thông tin trên , Hiệu trưởng một trường tiểu học của vùng duyên hải Bắc Bộ cho biết cô thường xuyên theo dõi những bài viết về liên kết đào tạo trong nhà trường. Đọc mỗi bài viết, mỗi dòng bình luận chỉ trích lãnh đạo trường, cô cảm thấy nhói đau.

Trần tình về liên kết đào tạo được tổ chức tại địa phương mình, vị này tiết lộ các đơn vị dạy kỹ năng sống, chương trình tự chọn, ngoại khóa... đều có "tấm bùa hộ mệnh" mang tên lãnh đạo cấp trên.

LTS: Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học

Vừa qua, một số phụ huynh có con đang theo học tại trường THPT, THCS, tiểu học trên cả nước cho biết, đầu năm học nhiều trường đã cho phụ huynh viết đơn “tự nguyện” đăng ký học tiếng Anh người nước ngoài, kỹ năng sống. Dù vậy, do công tác quản lý còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng về chất lượng của phụ huynh và tạo ra dư luận không tốt thời gian qua. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đã có phương án xử lý như thế nào? Xin kính mời quý độc giả cùng theo dõi tuyến bài “Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học” trên Tạp chí điện tử Người Đưa Tin.

"Tấm bùa" này chẳng có giấy tờ, chẳng văn bản chỉ một lời giới thiệu khi gặp tại hội nghị hay một cuộc điện thoại thông báo từ cấp trên. Lãnh đạo trường răm rắp nghe theo nếu không muốn sẽ có việc gây khó dễ", vị hiệu trưởng bày tỏ.

Khi đã làm việc xong với cấp trên, đại diện công ty cứ đến thẳng trường để bàn chuyện hợp tác.

Cách thứ nhất, công ty cung ứng tài liệu và giáo viên của trường phải dạy tiết học này. Mỗi tháng sẽ thu của học sinh 50.000 đồng (tương đương 12.500 đồng/tiết), sau đó công ty sẽ trích lại thù lao cho giáo viên và chi phí trách nhiệm quản lý cho lãnh đạo trường.

Hình thức thứ hai, nhân viên trung tâm sẽ đến dạy và chi trả phần nhỏ cho cơ sở vật chất và công tác quản lý. "Đây là kinh doanh trên sức lao động của giáo viên. Phụ huynh học sinh, giáo viên là công cụ để công ty kiếm tiền. Họ bán tài liệu nhưng hưởng 50-60% chi phí. Giáo viên rất khổ vì là người phải dạy", vị hiệu trưởng phân tích.

Giáo dục - Dạy liên kết tiếng Anh trong trường học: Trường từ chối “đắc tội” cấp trên

Thời khóa biểu của một lớp tiểu học tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có môn học ngoại khóa là STEM xen giữa các môn chính khóa. Ảnh: Tạp chí Giáo dục Việt Nam.

Vị này cho biết, các chương trình kỹ năng sống, kỹ năng mềm... giáo viên tại trường hoàn toàn có thể tự biên soạn chương trình dạy mà không cần phải mua tài liệu từ công ty: "Giáo viên có đủ trình độ, hiểu rõ học sinh của mình đang thiếu và cần bổ sung kỹ năng gì. Sách tham khảo kỹ năng sống bán khá rẻ, nội dung hướng dẫn trên Internet phong phú nhưng phải lệ thuộc vào nội dung của một công ty chưa rõ chất lượng thế nào.

Tôi từng mở ra tài liệu của một công ty đến đề nghị liên kết ra xem, toàn chương trình cũ. Người đi kết nối đôi khi cũng không hiểu gì về giáo dục mới".

Nữ hiệu trường xót xa: "Tôi đọc bình luận của phụ huynh, người dân mà ứa nước mắt xót xa. Thương học sinh phải học thêm một nội dung chưa hẳn cần thiết, thương phụ huynh vất vả nộp tiền gấp 5-10 lần. Đặc biệt, thương không ít giáo viên, lãnh đạo nhà trường dù mang tiếng oan nhưng không thể giãi bày, muốn tốt cho học sinh nhưng lực bất tòng tâm".

Không dám tư chối vì sợ... “đắc tội” cấp trên

Điều khó khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là các tiết dạy chính quy có thể kết thúc khá sớm, đây cũng là cơ hội cho các hoạt động liên kết đào tạo.

Tuy nhiên, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường tiểu học nêu bức xúc là khi trường muốn được mở tiết học tăng cường, chỉ thu 4-5.000 đồng/tiết/học sinh thì luôn bị gây khó khăn.

"Nhà trường rất cần tiết tăng cường. Ví dụ, môn toán lớp 1 đang chỉ dạy 3 tiết/tuần, 35 phút/tiết trong khi sĩ số lớp đông, nhận thức của các em chưa đồng đều nên nhiều em bị hổng kiến thức. Song, phòng GD&ĐT duyệt hồ sơ xin dạy tăng cường của trường rất khó khăn. Nếu được duyệt cũng suốt ngày kiểm tra", vị này cho biết.

Theo thầy phó hiệu trưởng, nếu trường được dạy thêm 1 tiết tăng cường sẽ hài hòa nhiều lợi ích. Học sinh được củng cố kiến thức, phụ huynh đón con muộn hơn, tiết kiệm chi phí học và giáo viên cũng có thêm một nguồn thu nhập nhỏ.

"Hồ sơ gửi duyệt về đào tạo liên kết được chấp nhận rất nhanh còn nhà trường đề xuất dạy tăng cường sẽ khó khăn. Lãnh đạo trường không chấp nhận liên kết sẽ khiến cấp trên không vui", vị này nói.

Giáo dục - Dạy liên kết tiếng Anh trong trường học: Trường từ chối “đắc tội” cấp trên (Hình 2).

Thầy giáo Phạm Văn Công - giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Đồng (huyện Hưng Hà, Thái Bình). Ảnh: NVCC/Giáo dục & Thời Đại.

Trong khi đó, bàn luận về vấn đề này, thầy Phạm Văn Công, người có nhiều năm công tác tại Trường Tiểu học Kỳ Đồng (Hưng Hà, Thái Bình), cho rằng việc tổ chức chương trình dạy tiếng Anh tăng cường, Giáo dục kỹ năng sống, Giáo dục STEM thông qua các trung tâm bên ngoài là loại hình giáo dục tốt với học sinh, nhưng cách làm của các nhà trường lại không hề tốt.

Nếu những tiết tăng cường do giáo viên dạy, nhà trường chỉ thu học phí rất thấp. Nhưng nếu thông qua trung tâm, số tiền một tiết có thể tăng 3 - 6 lần. Điều đáng nói, nhiều năm qua, giáo dục kỹ năng sống đều do giáo viên chủ nhiệm thực hiện theo nội dung các bộ sách trong Chương trình GDPT 2006.

Vậy tại sao, chương trình mới với mục tiêu tăng thời gian học ở trường để các em có thêm thời gian tham gia hoạt động trải nghiệm, rèn luyện thể chất, phát triển năng khiếu … lại thành giờ học liên kết? Hơn thế, các trung tâm còn thuê giáo viên trong trường dạy, sử dụng cơ sở vật chất của trường nhưng số tiền phụ huynh phải đóng lại nhiều hơn.

“Bộ giáo án các trung tâm cung cấp một lần và sử dụng mãi mãi. Như vậy, giáo viên có thể dạy được hoạt động Giáo dục kỹ năng sống trong các trường tiểu học mà không cần thông qua trung tâm nào. Chúng tôi mong được cơ quan chức năng cho phép dạy nội dung này vào tiết 4 buổi chiều để tăng thêm thu nhập. Mong Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện, giáo án dạy cũng như số tiền thu của phụ huynh để thống nhất trong toàn quốc”, thầy Công chia sẻ với Giáo dục & Thời đại.

Về giáo dục STEM, theo thầy Công, đây là hoạt động bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018. Chương trình có yêu cầu cụ thể về thời lượng đối với các khối lớp trong một tuần (khối 1 - 2 là 25 tiết, khối 3: 28 tiết, khối 4 - 5 là 30 tiết). Đa số trường tiểu học đang dạy 32 tiết/tuần – tức 9 buổi, nghỉ chiều thứ Năm để sinh hoạt chuyên môn. Như vậy khối nào cũng thừa từ 2 đến 7 tiết.

Thầy Công kiến nghị, nếu trường không dạy các tiết rèn hoặc tự chọn có thể thay bằng giờ học Giáo dục STEM và không thu tiền của phụ huynh. Còn trường nào đã dạy đủ các tiết rèn (Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh) và tự chọn (Tiếng Anh, Tin học) có thể dạy hoạt động Giáo dục STEM vào tiết 4 buổi chiều (tiết trống) và có thu tiền như hoạt động Giáo dục kỹ năng sống.

Còn dạy tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài, bắt buộc phải thông qua các trung tâm, không thể xếp các tiết đó vào 7 tiết dạy chính khoá mà phải dạy vào cuối buổi chiều. Nếu xếp vào tiết chính khoá sẽ gây khó cho phụ huynh và tủi thân cho nhiều em khi gia đình không có điều kiện đăng ký học.

* Đón đọc bài 6: Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học: Cần một cuộc tổng rà soát toàn diện (Ngày 19/10 trên mục Giáo Dục, Tạp Chí điện tử Người Đưa Tin)

Minh Hoa (t/h)