Vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng mưa bão, sạt trượt liên tục ở một số đoạn đường đèo, giá cả vật liệu leo thang…, chủ đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A đã động viên, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Các đơn vị thi công tập trung nhân lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. |
Thời gian qua, ở khu vực vùng núi Cầu Treo có mưa và mù liên tục nên nhiều ngày trong tháng 11 và đầu tháng 12 này, các đơn vị không thể thi công được. Ông Đỗ Phong Thành, Trưởng Tư vấn giám sát của Phân viện miền trung cho biết: Mưa lớn kéo dài, đã khiến nhiều đoạn đường đèo bị sạt, trượt liên tục nhiều lần. Tại gói thầu XL5 và XL6 (Km75+850 đến Km84+863,3), tranh thủ trời nắng ấm giữa hai đợt mưa rét của những ngày cuối năm, các nhà thầu đã huy động toàn bộ nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là việc rải thảm bê-tông nhựa mặt đường.
Đến nay, trên suốt chiều dài công trình hai gói thầu này đã cơ bản xong móng, rải cấp phối và đã thảm nhựa bê-tông được 50% khối lượng kế hoạch. Theo báo cáo, đến nay, các nhà thầu đã thi công được khoảng 85% giá trị hợp đồng. Khối lượng còn lại chủ yếu là mặt đường bê-tông nhựa và hệ thống an toàn giao thông. Dự kiến, hai gói thầu này sẽ hoàn thành vào đầu năm 2023 theo kế hoạch đề ra.
Phó Trưởng Ban Quản lý dự án 4 Nguyễn Đình Phúc cho biết: Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A, đoạn từ Km37 đến Km85+300, tỉnh Hà Tĩnh được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3051/QĐ-BGTVT ngày 22/10/2010, khởi công năm 2014 và dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Dự án bao gồm 11 gói thầu xây lắp.
Hiện nay, đoạn Km37-Km52+3,4 và cầu Sơn Hải thuộc các gói thầu XL1, XL1A, XL2, XL3, XL4 đã thi công hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng. Còn đoạn Km52+3,4 - Km84+863,38 thuộc các gói thầu XL5, XL6, XL7, XL8, XL9, XL10 đang triển khai thi công. Bên cạnh gói thầu XL5 và XL6 đang gấp rút hoàn thành vào đầu năm 2023, thì các gói thầu XL7, XL8, đoạn Km52+3,4-Km67 cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến nay, các nhà thầu đã thi công khoảng 45% giá trị hợp đồng. Riêng đoạn qua thị trấn Tây Sơn hoàn thành trong năm 2022. Dự kiến, hai gói thầu này sẽ hoàn thành vào tháng 8/2023.
Tuy nhiên, vấn đề gay cấn nhất hiện nay vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, có nguy cơ kéo dài thời gian thực hiện dự án. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 4, đến nay, địa phương mới bàn giao mặt bằng được 36,4/47,8km (76%). Các đoạn còn lại chưa bàn giao chủ yếu liên quan đến phạm vi các hộ phải di dời, tái định cư và nhất là phạm vi đất rừng tự nhiên phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hiện mất khá nhiều thời gian do phải thông qua nhiều bộ, ngành, nhiều thủ tục. Trong đó, gói thầu XL9 và XL10, đoạn Km67-Km75+850 theo tiến độ hoàn thành vào tháng 12/2023, nhưng hiện mới chỉ triển khai các hạng mục cấu kiện đúc sẵn, chưa thi công trên công trường, do toàn bộ mặt bằng bị vướng rừng tự nhiên, phải chờ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Quốc lộ 8A có địa hình quanh co, hiểm trở, hay bị sạt lở mỗi khi mưa lớn. Bên cạnh đó, do là tuyến đường kết nối với Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nên xe tải chở nặng thường xuyên qua lại với lưu lượng lớn. Khắc phục các khó khăn trên, các cán bộ điều hành dự án, tư vấn giám sát thường xuyên có mặt trên công trường, đôn đốc, giám sát công tác thi công của các nhà thầu. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng và Khu quản lý đường bộ 2 tiến hành phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông cũng như thông tuyến quốc lộ 8 lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Đến thời điểm hiện nay, Ban Quản lý dự án 4 đang tiếp tục đốc thúc các nhà thầu chuẩn bị đủ điều kiện để đẩy nhanh tiến độ thi công trên cơ sở bảo đảm chất lượng công trình và có các biện pháp bảo vệ an toàn trong quá trình thi công. Cùng đó, chủ đầu tư cũng đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, để sớm nhận 100% mặt bằng sạch phục vụ thi công dự án quan trọng này.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn Trần Bình Thân, đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà nên thời gian qua, huyện đã tập trung quyết liệt cho công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu của dự án.
Đến thời điểm này, địa phương đã hoàn thành kiểm đếm, tính toán, chi trả tiền bồi thường cho gần 1.000 hộ dân; còn 7 hộ dân thuộc diện tái định cư, địa phương đã xây dựng xong khu tái định cư, phê duyệt phương án bồi thường và đang vận động các hộ dân nhận tiền, sớm di dời nhà ở để bàn giao mặt bằng.
Cũng theo ông Trần Bình Thân, đến nay, Ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công các đoạn Km54-Km67 và từ Km75-Km85 (tổng chiều dài 23km). Đoạn còn lại Km67-Km75 (tổng chiều dài 8km), đi qua đất rừng tự nhiên (12ha) chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vì thủ tục chuyển đổi đất rừng phải được sự thẩm định của các bộ, ngành trung ương và có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, huyện, tỉnh và Ban Quản lý dự án 4 đang tích cực phối hợp để làm các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Bài, ảnh: Ngô Tuấn và Tuấn Minh