ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy: Cẩn trọng khi thay đổi chính sách giữa chừng

Admin

Nếu có một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT biên soạn, nguy cơ quay về thời kỳ độc quyền, mất cạnh tranh công bằng sẽ rất dễ xảy ra.

T

riển khai Chương trình GDPT 2018 đã đi dần đến những khối lớp cuối, với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách, khuyến khích sự tham gia của xã hội vào việc biên soạn. Nhưng đến nay câu chuyện đề xuất Bộ GD&ĐT phải biên soạn một bộ sách giáo khoa lại gây nhiều băn khoăn, bởi việc này rất dễ dẫn đến nguy cơ quay trở lại thời kỳ độc quyền.

Nguy cơ mất thế cạnh tranh công bằng 

Về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông bày tỏ: “Quả thật, khi đọc các thông tin trên báo chí về việc Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn, tôi rất ngạc nhiên. Bởi đây là một đề nghị đi ngược với xu hướng xã hội hoá trong biên soạn sách giáo khoa mới”.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt đánh giá rằng một điều hiển nhiên, ai cũng có thể nhận ra, nếu làm như vậy, thực chất chúng ta lại đi vào vết xe đổ cách đây mấy năm.

“Căn cứ vào tình hình thực tiễn, việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa lúc này là không cần thiết. Trái lại chỉ làm rối thêm tình hình, trong khi chính lúc này, Bộ GD&ĐT đang cần gỡ rối rất nhiều việc thì lại bị sa lầy vào vũng bùn mới, khó cơ hội thoát ra”, ông Đạt chia sẻ.

Theo chuyên gia, nếu có một bộ sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT biên soạn sẽ có những nguy cơ mới bùng nổ. Đó là việc doanh nghiệp tư nhân lại bị rơi vào thế bị chèn ép và cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều vấn đề tiêu cực mới sẽ xảy ra trong lộ trình biên soạn và xuất bản.

Giáo dục - ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy: Cẩn trọng khi thay đổi chính sách giữa chừng

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng có nhiều vấn đề cần giải quyết thay vì biên soạn thêm sách.

“Dù về hình thức, các tên gọi có thể thay đổi nhưng khó tránh được tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” (doanh nghiệp Nhà nước nuốt doanh nghiệp tư nhân). Về bản chất, chủ trương xã hội hóa sẽ bị phá sản, khi đó doanh nghiệp tư nhân không bảo cũng sẽ tự động rút vì không thể đủ sức hoạt động khi bị mất thế cạnh tranh công bằng, khách quan”, ông Nguyễn Hữu Đạt nhận định.

“Thời gian tới, Bộ cần tập trung khích lệ, hỗ trợ cho các nhóm biên soạn sách giáo khoa mới nhằm giúp họ có được những thuận lợi hơn trong triển khai chủ trương xã hội hoá của Nhà nước ngày một quy củ hơn để nâng cao chất lượng, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt đưa ra ý kiến.

Khó hiểu khi đề nghị Bộ GD&ĐT biên soạn sách giáo khoa

Giáo dục - ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy: Cẩn trọng khi thay đổi chính sách giữa chừng (Hình 2).

GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Cũng cùng nhưng băn khoăn về việc có thêm sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT biên soạn GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Ở giai đoạn đầu khi nước t lần đầu thực hiện xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa, lúc đó cần chuẩn bị tình huống cho việc không xã hội hoá theo đúng lộ trình và sách giáo khoa thì không thể không. Nếu như vậy cần có “bảo hiểm” là một bộ sách của Nhà nước, điều này là quan điểm đúng đắn”.

Nhưng ông Báo cho rằng trong quá trình thực hiện xã hội hoá lo lắng thiếu sách đã không xảy ra, thậm chí mỗi lớp đã có 2-3 bộ sách, vì vậy biện soạn thêm sách vì mục đích này là không cần thiết, gây lãng phí.

“Ngoài ra, nếu lo lắng giá sách giáo khoa. Ngay cả khi Nhà nước biên soạn giá sách cũng khó mà rẻ hơn trừ khi chúng ta in và cấp cho học sinh như các nước trên thế giới hoặc trợ cấp cho các em. Nếu vẫn để bán cũng khó có thể rẻ hơn, chưa kể giá hiện nay không quá đắt”, ông Báo cho biết.

Chuyên gia cũng nhận định các bộ sách hiện nay đều được biên soạn, thẩm định theo các khung tiêu chí và phù hợp với Chương trình GDPT 2018 nên cũng không quá lo lắng về chất lượng các bộ sách.

"Thay đổi chính sách giữa chừng"

Sáng 24/10, phát biểu ý kiến tại phiên họp tổ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết nghị quyết 88/2014 của Quốc hội đã nêu rõ việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Theo bà Thúy, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, ngay năm đầu tiên thực hiện đổi mới, đã có 3 nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành đầy đủ sách giáo khoa của tất cả các môn học.

Tới nay, bà Thúy nói đã triển khai đổi mới đến những lớp cuối cùng của cả ba cấp học và chưa xảy ra tình trạng thiếu sách. Số tiền mà các doanh nghiệp bỏ vào để làm sách giáo khoa cũng đã lên hơn 1.200 tỉ đồng.

Trước tình hình này, bà Thúy đặt vấn đề có cần bỏ ra trên dưới 400 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để làm thêm một bộ sách giáo khoa nữa hay không? "Việc ra đời một bộ sách giáo khoa "của Bộ" có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xóa bỏ xã hội hóa không? Đó là điều mà chúng ta cần cân nhắc", bà Thúy nêu.

Giáo dục - ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy: Cẩn trọng khi thay đổi chính sách giữa chừng (Hình 3).

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy.

Bà Thúy nêu thêm Luật Giáo dục, ban hành sau nghị quyết 88/2014 thời gian 5 năm cũng chỉ quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Không quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa "của bộ" nữa. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ các bộ.

Do đó, bà Thúy cho rằng nếu Quốc hội lại yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa thì điều đó vừa gây lãng phí, vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

"Vào thời điểm này, việc quyết định giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn. Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và người dân không đồng tình với sự thay đổi này.

Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định", bà Thúy nêu.

Bởi theo bà Thúy, cái mới luôn là cái khó, ý kiến trái chiều không tránh khỏi, nên chăng để thực hiện hết 1 chu kỳ (sau năm học 2024-2025) rồi tổng kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, lúc bấy giờ điều chỉnh sẽ phù hợp và thuyết phục hơn.

 

Theo ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị), nếu bây giờ tiếp tục biên soạn, thẩm định thêm một bộ SGK mới thì đến khi nào “guồng quay đổi mới” mới có thể đi vào ổn định?

Nữ đại biểu cho rằng, bộ SGK mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn có thể khắc phục hết những tồn tại đang đặt ra trong thực tiễn cần điều kiện rất quan trọng là các địa phương cùng chọn bộ sách này. Đồng thời, bộ sách phải thực sự hoàn hảo, chất lượng. Trong khi trước đó, Bộ cũng đã thừa nhận không thể tìm được chuyên gia làm sách vì những người giỏi đã “bắt tay” với xã hội hóa.

“Nếu các địa phương cùng chọn duy nhất SGK do Bộ biên soạn, phải chăng lại quay lại tình trạng “độc quyền” trong sử dụng SGK như vẫn lo ngại bao lâu nay?”, nữ đại biểu băn khoăn và đặt câu hỏi: “Mà liệu có chuẩn hơn các bộ sách đang sử dụng hay không? Ai dám cam đoan ngân sách bỏ nhiều tỷ ra để làm một bộ sách mới chất lượng tốt hơn 3 bộ sách hiện hành?”.

Do đó, bà Minh nhấn mạnh việc biên soạn thêm một bộ SGK vào thời điểm này hoàn toàn là không cần thiết và dẫn đến nguy cơ tốn kém, lãng phí nguồn lực.

Nêu quan điểm với Người Đưa Tin, ĐBQH Trương Xuân Cừ - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng: “Nếu các bộ SGK khác mà trước khi phát hành đã được Bộ GD&ĐT thẩm định thì Bộ GD&ĐT không cần thiết phải biên soạn thêm một bộ sách”.
 
 
Trước đó phát biểu tại Phiên giám sát chuyên đề ngày 14/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát và UBTVQH hết sức cân nhắc việc đề nghị về việc phải biên soạn một bộ sách giáo khoa.
 
Bộ trường cho biết: “Dường như vẫn đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Nhà nước (Bộ GD&ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
 
Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của nhà nước hay không. Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không.
 
 
Hoa Trà - Hoàng Bích