Để hoạt động công chứng đi vào nền nếp, quy củ

Admin

Thực hiện Luật Công chứng năm 2014, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã và đang rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

2104-cong-chung-7204-1682045099.jpg

Thực hiện thủ tục công chứng cho người dân tại một phòng công chứng ở Hà Nội. (Ảnh: NGUYỄN GIA)

Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, số lượng công chứng viên tăng nhanh nhưng chất lượng chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; việc phân bổ các văn phòng công chứng cũng chủ yếu tập trung tại những tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển.

Bên cạnh đó, các văn phòng công chứng dù hoạt động theo loại hình công ty hợp danh nhưng trên thực tế có không ít văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên hành nghề, công chứng viên hợp danh còn lại thực chất là “đi thuê”; tổ chức của một số văn phòng công chứng còn thiếu tính ổn định, bền vững.

Hoạt động hành nghề công chứng còn có những sai sót, vi phạm, trong đó tình trạng công chứng “khống”, công chứng “treo”, cạnh tranh không lành mạnh vẫn chưa được khắc phục. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng còn ở mức độ thấp, chưa bắt kịp tiến bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi số.

Công tác quản lý nhà nước về công chứng còn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn; việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng chưa toàn diện, chưa có tính liên thông. Bên cạnh đó, vai trò tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp của công chứng viên còn chưa tốt.

Có nhiều nguyên nhân, theo các chuyên gia pháp luật, quy định của pháp luật về công chứng và hành nghề công chứng còn thiếu, một số quy định không còn phù hợp thực tiễn, đặc thù của nghề công chứng; thiếu công cụ, cơ chế pháp lý để bảo đảm nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, hiệu quả quản lý nhà nước.

Một số quy định về trình tự, thủ tục công chứng còn cứng nhắc, chưa tạo nền tảng pháp lý cho việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng. Bên cạnh đó, nhận thức về vị trí, vai trò của nghề công chứng còn chưa đầy đủ, vẫn còn cách hiểu coi công chứng là hoạt động kinh doanh thông thường, cho phát triển tự do theo cơ chế thị trường. Điều này dẫn đến việc phát triển văn phòng công chứng không căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội, tập trung tại các khu trung tâm quận, thị xã, thành phố gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, khó khăn cho người dân tại vùng xa trung tâm trong việc tiếp cận dịch vụ công chứng.

Thêm nữa, một bộ phận công chứng viên còn chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của nghề công chứng, thiếu tu dưỡng, rèn luyện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, có trường hợp cố ý làm trái, không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục công chứng theo quy định của pháp luật.

Có hiện tượng công chứng “khống”, công chứng “treo” tiếp tay cho việc trốn thuế, vi phạm pháp luật. Có nhiều trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận. Trích hoa hồng, chiết khấu phí công chứng cho người yêu cầu công chứng, hoặc người môi giới việc công chứng tại văn phòng công chứng để thu hút những người này sử dụng dịch vụ công chứng của tổ chức mình.

Đề xuất đưa dự án Luật Công chứng sửa đổi vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhưng vẫn bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng đầy đủ, kịp thời tại các vùng địa bàn khó khăn; tiếp tục thực hiện việc công chứng bắt buộc đối với những giao dịch quan trọng trong đời sống xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng...

Đối với công tác quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; công tác thẩm tra bổ nhiệm nhằm phát triển đội ngũ công chứng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra tổ chức và hoạt động công chứng nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của địa phương, tổ chức hành nghề công chứng.

Nghiên cứu, xây dựng đề án chuyển đổi số trong hoạt động công chứng; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về công chứng của từng địa phương, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc để tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả và an toàn của hoạt động công chứng.

Với cấp tỉnh, Bộ Tư pháp đề nghị chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, thanh tra liên ngành, kịp thời xử lý các vi phạm trong việc công chứng hợp đồng, giao dịch, nhất là tình trạng công chứng “khống”, công chứng “treo”, công chứng “chờ”, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự các vi phạm về hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật. Việc thẩm tra, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định pháp luật, gắn với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản và dễ thực hiện hơn.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp, có 1.295 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 120 phòng công chứng và 1.175 văn phòng công chứng. Tại 63 tỉnh, thành phố đều có văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa. Bộ Tư pháp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ và kỹ năng hành nghề công chứng cho các công chứng viên, chú trọng bồi dưỡng các công chứng viên mới hành nghề...