Điểm danh những ngân hàng chuẩn bị bán vốn cho nước ngoài

Admin

Sau một thời gian tạm lắng, nhiều ngân hàng đã khởi động lại và đẩy mạnh kế hoạch chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Điểm danh những ngân hàng chuẩn bị bán vốn cho nước ngoài - Ảnh 1.

Mới đây, Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2 - 2,2 tỷ USD.

Nguồn tin cũng cho biết, thỏa thuận này dự kiến được hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024 và cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông diễn ra vào tháng 4, SHB đã thông qua việc tiếp tục triển khai tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Nói về tiến độ tìm kiếm cổ đông chiến lược, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết: SHB từ trước tới nay luôn theo xu hướng "chung thuỷ" nhưng sẽ thay đổi chiến lược tìm kiếm cổ đông ngoại: “SHB là cô gái đẹp có nhiều chàng trai từ các quốc gia khác muốn kết hôn. Nhưng SHB ưu tiên các chàng trai thủy chung, nên mong muốn đối tác tham gia cùng quản trị điều hành và gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, qua gặp mặt các chàng rể thì các nhà đầu từ này chỉ có chiến lược đầu tư tài chính ngắn và trung hạn."

“Chung thủy 10 – 20 năm thì không có, nhưng chúng tôi đã tiếp xúc sâu hơn với các tập đoàn tài chính nước ngoài, chấp nhận họ chỉ đầu tư 3 – 5 năm rồi rút vốn” – ông Hiển nói với cổ đông, và cho biết thêm trong năm nay hoặc đầu năm sau SHB sẽ có một chàng rể ngắn và trung hạn.

Được biết, SHB hiện là ngân hàng tư nhân lớn hiếm hoi còn trống nhiều room ngoại (tỷ lệ sở hữu nước ngoại chỉ ở mức 6,4%) . Điều này giúp ngân hàng có nhiều dư địa để bán lượng lớn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

SeABank mới đây cũng thông báo sẽ phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển). Thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.

Cuối tháng 3 vừa qua, VPBank đã khiến thị trường xôn xao khi ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản (thuộc tập đoàn tài chính SMFG). Thoả thuận này đã chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.

Với giá trị 1,5 tỷ USD, đây là thương vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ cổ đông mới đây, bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank - cho biết: Theo hợp đồng đã ký kết phát hành riêng lẻ với SMBC, ngay trong tháng 4, VPBank đã nhận tiền được số tiền đặt cọc 10% của SMBC. Hiện tại ngân hàng đang thực hiện các bước để hoàn tất thương vụ như xin phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền và chào bán riêng lẻ tăng vốn điều lệ theo quy định pháp luật. Quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 2 – 3 tháng, dự kiến khoảng cuối tháng 7 và đầu tháng 8 sẽ hoàn tất các thủ tục và nhận tiếp 90% số tiền còn lại, ghi nhận vào vốn của VPBank.

LPBank cũng đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được HĐQT ngân hàng quyết định sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cổ phiếu chào bán cho NĐT nước ngoài bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bên phía nhóm ngân hàng cổ phần Nhà nước, BIDV có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ lâu, nhưng vẫn chưa thực hiện thành công.

Chia sẻ với cổ đông tại đại hội vừa qua, Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết: Ban lãnh ngân hàng đã rất nỗ lực để thực hiện việc này, đã tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua nhưng có điều không thuận lợi là tình hình kinh tế các nước, sự thu hẹp của khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư đối với thị trường mới nổi, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước sẽ làm giảm sút việc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

“Năm nay chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay chúng tôi có một số nhà đầu tư tiềm năng nhưng không thể công bố được. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023”, ông Tú nhấn mạnh.

Tại Vietcombank, Chủ tịch Phạm Quang Dũng cho biết kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024.