Đổi mới để tôn vinh vẻ đẹp của thi ca

Vũ Xuân Kiên

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) vừa khép lại. Vẫn còn đó dư âm của tinh thần đổi mới, sáng tạo, chắp cánh cho vẻ đẹp của thi ca, hòa nhịp thăng hoa cùng nhiều loại hình nghệ thuật, lưu dấu ấn cảm xúc tốt đẹp trong lòng công chúng. Đó cũng là sự gợi mở để những Ngày thơ trong tương lai tiếp tục tỏa sáng.

Ngày thơ Việt Nam đã được tổ chức 18 lần trực tiếp và hai lần trực tuyến (do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19), nhưng phải đến lần thứ 21 dường như mới thật sự tạo nên sự ngỡ ngàng, mãn nhãn với công chúng. Một trong những nét mới đáng ghi nhận đầu tiên chính là việc thay đổi không gian, thời gian. Về không gian, đây là lần đầu Ngày thơ diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long - Di sản quốc gia đặc biệt được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới.

Về thời gian, đây cũng là lần đầu có đêm thơ bởi những năm về trước hoạt động chính đều diễn ra ban ngày. Đáng chú ý là lần đầu Ngày thơ được lên kế hoạch, thiết kế, dàn dựng chuyên nghiệp thông qua ê-kíp sáng tạo, gồm: Tổng đạo diễn Lê Quý Dương; kịch bản văn học-nhà thơ Hữu Việt; phụ trách mỹ thuật-họa sĩ Phạm Hà Hải, họa sĩ Lê Ðình Nguyên và nhiều hạng mục khác do các đơn vị đảm nhận.

5-vhh-1-1835-1676003682.jpg
Một tiết mục biểu diễn trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21. (Ảnh THANH TÙNG)

Tất cả các yếu tố nêu trên là sự tổng hòa quan trọng tạo nên sự ấn tượng, thu hút, đưa thơ ca đến gần hơn, có tính tương tác cao hơn với công chúng. Hoàng thành Thăng Long là không gian rộng lớn, có sân khấu lý tưởng, đủ diện tích để kiến tạo Đường thơ, Đường sách, Nhà ký ức, Quán thơ, Cây thơ...

Việc chuyển hoạt động quan trọng nhất sang ban đêm đã phát huy một cách cao nhất hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo… Bởi lẽ đó, hàng nghìn khán giả đã được thưởng thức trọn vẹn một đêm thơ hoành tráng về hình thức, sâu sắc về nội dung, dư âm lan tỏa.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, ông thật sự bất ngờ, xúc động khi tham dự Ngày thơ năm nay. Những cách tân, đổi mới là minh chứng cho nỗ lực của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 10. Nét sống động, đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức thơ ca của công chúng là tín hiệu đáng mừng cho thấy Ngày thơ đã dần trở thành một lễ hội mới.

Trong khuôn khổ sự kiện, tọa đàm mang tên “Thơ hiện nay với hôm nay” cũng là điểm nhấn đặc biệt. Các tham luận tập trung vào những điểm chính: Nhận diện về tình trạng thơ ca hiện nay, giải pháp giúp thơ ca đi vào đời sống một cách mạnh mẽ, ý nghĩa hơn.

Trong phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương cho rằng, Ban tổ chức đã đặt vấn đề một cách giản dị, khiêm tốn để xác định diện mạo, sức vóc, vị trí thơ ca đang ở đâu trong đời sống đương thời. Đối với dân tộc ta, thơ đã thành lời ăn tiếng nói, góp phần vào sự hình thành, tồn tại, giúp cho dân tộc trường tồn.

Trước những nỗi đau thương, tổn thất, thơ giúp con người cân bằng lại, xốc lại tinh thần gây dựng lại cơ đồ. Trong đời sống hiện đại, con người đang phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp. Chưa bao giờ chúng ta phải sống căng thẳng do tốc độ cao, sức cạnh tranh, sự giằng xé bởi hàng loạt nhu cầu. Núi vẫn vạm vỡ, biển vẫn xanh, sông vẫn cuộn chảy, cuộc sống vẫn kỳ ảo..., nhưng sự ích kỷ và tính thực dụng đã phủ lên nhãn quan một lớp màng mờ mịt. Thơ ca có giúp con người phá toang cái màng mờ mịt ấy? Đó là cả một vấn đề.

Nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, thơ ca những năm gần đây đã có một đời sống, diện mạo mới thể hiện qua khuynh hướng, mỹ cảm, chức năng mới với muôn hình vạn trạng. Các nhà thơ đi sâu khám phá bản thân, không rời bỏ vấn đề của đất nước. Tuy nhiên, không phải không có những lo lắng, băn khoăn. Thơ chất lượng thấp, giải thưởng danh hiệu tràn lan, giá trị thật bị khuất lấp...

Do thơ hay do bạn đọc? Bạn đọc muôn năm vẫn thế, vậy thì vấn đề ở chính người sáng tạo và các công tác liên quan: cơ chế chính sách, quản lý, xuất bản, in ấn, truyền thông...

Chung nhịp với Ngày thơ Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức Ngày thơ khá thành công, khẳng định được tiếng nói, bản sắc, thế mạnh rõ rệt. Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hà Tĩnh... không chỉ tổ chức Ngày thơ mà còn đan xen các cuộc thi, tọa đàm, triển lãm. Những hội nhóm trên mạng xã hội như Quán Chiêu Văn, từ sự tập hợp, kết nối trên không gian mạng đã xuất hiện ấn tượng, có nhịp điệu, sắc màu riêng tại Ngày thơ, trong không gian Hoàng thành Thăng Long với các buổi giao lưu, kết nối người đọc, người viết...

Với kết quả vượt ngoài mong đợi, dư âm tốt đẹp của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 đã trở thành niềm mong chờ, háo hức của công chúng, là động lực và cũng là áp lực cho Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trong công tác tổ chức những năm sau.

Đó có thể là những không gian khác, vùng, miền khác, kịch bản văn học khác... để giá trị của thơ ca trở nên phong phú, gần gũi hơn với các vùng, miền suốt dọc dài đất nước. Công chúng mong chờ và đòi hỏi những Ngày thơ trong tương lai tiếp tục phát huy được tính truyền thống hòa quyện với hiện đại, giá trị sâu sắc hòa nhịp trong sáng tạo, đổi mới để vẻ đẹp của thơ ca được thăng hoa như giá trị vốn có ■