Đồng Nai đề xuất hướng tuyến mới dự án cầu Cát Lái nối TPHCM

Admin

Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI) đã có báo cáo nghiên cứu phương án hướng tuyến Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cát Lái thay phà Cát Lái phía huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI) đã có báo cáo nghiên cứu phương án hướng tuyến Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cát Lái thay phà Cát Lái phía huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Theo đơn vị tư vấn, Dự án Cầu Cát Lái có tổng chiều dài tuyến hơn 11,3km, (gồm cầu và đường dẫn) điểm đầu nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) khoảng 400m; điểm cuối dự án kết nối vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại khoảng Km33+500.

Đồng Nai đề xuất hướng tuyến mới dự án cầu Cát Lái nối TPHCM- Ảnh 1.

Phối cảnh cầu Cát Lái

Trong đó, phần cầu Cát Lái có chiều dài hơn 3km, cầu chính được xây dựng theo kết cấu cầu dây văng 2 mặt phẳng dây, liên tục 3 nhịp, dầm chủ bê tông cốt thép dự ứng lực dạng 2 hộp thi công bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng đảm bảo 6 làn xe cơ giới và 2 làn thô sơ và đảm bảo các bề rộng để bố trí hệ thống dây cáp văng, với tổng bề rộng 29,5m. Tuyến đường 2 đầu cầu với quy mô đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/h, đảm bảo 6 làn cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Đồng Nai đề xuất hướng tuyến mới dự án cầu Cát Lái nối TPHCM- Ảnh 2.

Sơ đồ hướng tuyến dự án cầu Cát Lái

Về tuyến dự án, đơn vị tư vấn đề xuất 3 phương án điều chỉnh so với phương án hướng tuyến đã được phê duyệt theo điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ để nghiên cứu gồm: phương án 1.1 - tuyến điều chỉnh đi về phía Đông của tuyến quy hoạch; phương án 1.2 - tuyến điều chỉnh về phía Tây của tuyến quy hoạch, cơ bản bám theo hướng tuyến quy hoạch và phương án 1.3 - tuyến điều chỉnh về phía Tây của tuyến quy hoạch theo hướng tuyến mới, cơ bản tránh được toàn bộ khu vực ngã ba Giồng Sắn và các công trình tôn giáo lân cận.

Đơn vị tư vấn đề xuất phương án đầu tư phân kỳ, trong đó, quy mô giai đoạn 1 sẽ giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh 100m theo quy hoạch và xây dựng trước 2 đường song hành 2 bên.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, đồng ý xây cầu vượt sông Đồng Nai thay thế phà Cát Lái, vị trí tại TP. Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai . UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi UBND TPHCM cho ý kiến về phương án xây cầu Cát Lái kết nối giữa 2 địa phương. UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất hướng tuyến xây cầu Cát Lái. UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất thời gian triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Về phía UBND TPHCM cũng đã có văn bản về phương án kết nối giao thông giữa 2 địa phương, trong đó đề nghị Đồng Nai thống nhất các ý kiến về giao thông kết nối giữa 2 địa phương làm cơ sở tổ chức thực hiện các thủ tục bổ sung vào các đồ án quy hoạch có liên quan theo ý kiến của Bộ GTVT.

Về thời gian xây dựng cầu thay phà Cát Lái, Sở GTVT TPHCM đề xuất xây dựng sau năm 2030, khi tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 hoàn thành đưa vào khai thác.