Bản kết luận giám định chi tiết một đằng, kết luận một nẻo?
Ngày 6/11, tiếp tục diễn ra phiên toà xét xử cựu Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông Đặng Gia Dũng cùng 5 người khác, liên quan đến vụ sạt trượt nghiêm trọng xảy ra tại Dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp Nhân Cơ (Dự án hạ tầng kỹ thuật KCN Nhân Cơ).
Cụ thể, sạt trượt tại Gói thầu 02XL san lấp và gia cố mái taluy lô nhà máy luyện nhôm, hạng mục công trình san nền và bảo vệ mái dốc (Gói thầu 02XL).
Tại phần xét hỏi, bị cáo Phạm Văn Cửu (Tổng Giám đốc Cty Cổ phần ĐTXD Đường Việt, gọi tắt Cty Đường Việt), được đặt vấn đề khảo sát thiết kế cho dự án trên nhưng đã từ chối nhiều lần. Đến lần thứ 5, bị cáo Cửu mới làm việc với ông Phạm Đình Tuấn - Giám đốc Ban quản lý dự án ĐTXD tỉnh Đắk Nông (chủ đầu tư).
Thời điểm ấy, ông Tuấn có đặt 3 vấn đề: Đây là dự án cấp bách, chủ đầu tư chưa có tiền, nhiều rủi ro (công ty bỏ kinh phí, thực hiện trước; dự án có thể không khả thi, không được triển khai; dự án được thông qua nhưng khả năng công ty không được giao nhiệm vụ). Tuy nhiên, nhận thấy, đây là dự án có ý nghĩa với tỉnh Đắk Nông, Cty Đường Việt có đủ năng lực thực hiện nên quyết định nhận dự án này.
Đối với các cáo buộc của cơ quan tố tụng thông qua bản cáo trạng, bị cáo Cửu cho rằng, đến thời điểm này, bản thân bị cáo và Cty Đường Việt tuân thủ các quy định trong khảo sát, thiết kế dự án trên.
“Công trình bị sạt trượt lần đầu khi nào, Cty Đường Việt không biết. Đến tháng 8/2018, đơn vị tư vấn thiết kế mới được chủ đầu tư thông báo về sạt trượt. Công ty đã cử cán bộ kỹ thuật lên kiểm tra, khoan 3 lỗ khoan, đưa ra giải pháp sơ bộ. Vấn đề xử lý sạt trượt, theo quy định, không thuộc trách nhiệm của đơn vị nếu như không được chủ đầu tư yêu cầu. Tuy nhiên, đứng ở góc độ thiết kế, chúng tôi đã có khuyến cáo và đưa ra giải pháp bằng văn bản”, bị cáo Cửu nói và khẳng định, nếu được khắc phục theo khuyến cáo của Cty Đường Việt thì không xảy sạt trượt.
Theo bị cáo Cửu, cáo buộc dựa trên kết luận giám định tư pháp của Viện khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) là vu khống.
“Toàn bộ các báo cáo chi tiết nêu rất rõ bản chất kỹ thuật của khối đất đắp là gì. Giám định chi tiết là đúng nhưng kết luận sai hoặc gian dối. Vì phần kết luận cuối cùng đơn vị thiết kế là chủ thể chính chịu trách nhiệm chính nguyên nhân sạt trượt khối đắp. Như vậy là vô lý”, bị cáo Cửu trả lời phần xét hỏi tại toà.
Đại diện đơn vị giám định khẳng định làm đúng
Trong khi đó, đại diện đơn vị giám định của Viện khoa học và công nghệ GTVT khẳng định, kết luận giám định đúng. Theo vị này, đây là dự án đặc biệt, phức tạp chưa từng có. Chiều cao của khối đất đắp này có chỗ cao nhất hơn 60m. Vị trí đất đắp áp sát vào sườn núi. Để làm được dự án này, đơn vị tư vấn phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong trường hợp bất lợi nhất.
Tuy nhiên, đơn vị tư vấn không khảo sát nước ngầm, không có giải pháp xử lý thoát nước ngầm… Đây là một trong những nguyên nhân chính, dẫn đến sạt trượt trong quá trình thi công.
“Đây là thiếu sót của hồ sơ thiết kế dẫn đến nhà thầu thi công ở dự án dẫn đến hậu quả. Hội đồng giám định chúng tôi khẳng định nếu hồ sơ thiết kế không đạt yêu cầu, dù nhà thầu có làm đúng, không sớm thì muộn cũng sẽ bị sạt trượt” – vị đại diện Viện khoa học và công nghệ GTVT nói.
Đến chiều 6/11, phiên toà đã xong phần xét hỏi các bị cáo và những người có nghĩa vụ liên quan cũng như người làm chứng...
Trong vụ án trên có 6 bị cáo, gồm: Đặng Gia Dũng – cựu Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông (vắng mặt tại toà do bị hạn chế về mặt nhận thức, có hồ sơ bệnh án tâm thần); Hồ Sĩ Điệp (Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án ĐTXD tỉnh Đắk Nông), Trần Quốc Đạt (Trưởng phòng dự án 1, Ban quản lý các dự án ĐTXD tỉnh Đắk Nông), Đặng Thái Sơn (Giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Đắk Mil, nguyên công chức Phòng Quản lý Chất lượng Công trình thuộc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông), bị xét xử về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Còn Phạm Văn Cửu và Nguyễn Thanh Hà (Trưởng phòng thiết kế 1 Cty Đường Việt), bị xét xử tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, trong quá trình thi công từ năm 2018-2020, gói thầu 02XL đã xảy ra 5 lần sạt trượt, gây thiệt hại trên 55,6 tỷ đồng. Cáo trạng xác định, nguyên nhân sụt trượt khối đất đắp trong quá trình thi công do không có giải pháp thoát nước ngầm trong khối đắp dẫn đến mất ổn định toàn khối.
Vì sao 8 tài liệu không được thu thập?
Trong phần xét hỏi hôm nay, luật sư đề nghị và được chủ toạ phiên toà hỏi điều tra viên, vì sao không thu thập 8 báo cáo của Tổ 142 do UBND tỉnh Đắk Nông thành lập vào tháng 1/2018 để chỉ đạo đối với dự án trên.
Theo điều tra viên, đến ngày gần xét xử, cơ quan điều tra mới nhận được 8 tài liệu này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, việc này không làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra vụ án.
Điều tra viên trả lời câu hỏi của Chủ toạ phiên toà |
Còn ông Phạm Ngọc Oanh (Sở Xây dựng Đắk Nông) - người được mời đến phiên toà với tư cách người làm chứng cho biết, ông là người được giao nhiệm vụ tổng hợp 8 báo cáo của Tổ 142 để trình UBND tỉnh. Ông Oanh nói, cơ quan điều tra có triệu tập ông lên làm việc. Quá trình trao đổi, ông Oanh đã chủ động thông tin về 8 báo cáo trên cho điều tra viên. Tuy nhiên, nội dung này không được thể hiện trong biên bản của cơ quan điều tra.
Trong 8 báo cáo của Tổ 142 chỉ ra loạt vi phạm của các nhà thầu thi công gói thầu 02XL: Không thực hiện đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, không có giải pháp thoát nước tạm thời khi thi công trong mùa mưa…
Thậm chí, Tổ này còn phát hiện vị trí bãi đất dự trữ để đắp thuộc gói thầu 02XL có đọng nước, nếu không xử lý triệt để sẽ dẫn đến sạt lở; taluy đất đắp có dấu hiệu sạt mái dốc.
Thế nhưng cảnh báo, yêu cầu của Tổ 142 bị phớt lờ. Hậu quả, ngày 27/8/2018 gói thầu 02XL bị sạt trượt, sau đó thêm 4 lần nữa.