Nội dung trên nằm trong dự thảo quy định về trường chất lượng cao, được ban hành cuối tháng 10. Thành phố yêu cầu các nơi chỉ phát triển mô hình này nếu địa bàn đã đủ chỗ học cho các nhóm phổ cập giáo dục (mầm non 5 tuổi, tiểu học, THCS).
Dự thảo đưa ra 5 nhóm tiêu chí với trường chất lượng cao. Trong đó, về chương trình dạy, ngoài chương trình chính khóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường chất lượng cao cần có chương trình bổ sung, nâng cao, theo hướng tiệm cận quốc tế.
Các trường thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình tích hợp với các cơ sở giáo dục nước ngoài, sau khi được thẩm định, phê duyệt. Trong khi đó, quy định hiện hành chỉ yêu cầu các trường chất lượng cao giảng dạy chương trình tiếng Anh với giáo viên nước ngoài (trừ bậc mầm non).
Về cơ sở vật chất, trường chất lượng cao phải đạt chuẩn quốc gia mức độ hai (không quá 45 lớp; có đủ phòng chức năng, thiết bị dạy học hiện đại, khuôn viên, bãi tập... đáp ứng nhu cầu).
Về nhân sự, 30-70% tổng số giáo viên phải đạt trên chuẩn (tốt nghiệp cao đẳng với mầm non, từ đại học trở lên với bậc phổ thông). Thầy cô còn cần đạt giáo viên dạy giỏi, có sáng kiến kinh nghiệm cấp quận hoặc thành phố... , tỷ lệ tùy theo cấp học.
Ngoài ra, trường học đủ nhân viên chuyên trách, có đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước giảng dạy và hỗ trợ chuyên môn, có giáo viên dạy song ngữ ở một số môn khoa học cơ bản.
Với phương pháp giảng dạy, trường phải đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, các hình thức đánh giá linh hoạt, kiểm tra được năng lực, phẩm chất của học sinh. Riêng ở bậc phổ thông, tối thiểu 70% học sinh hài lòng với phương pháp của giáo viên.
Cuối cùng là các dịch vụ chất lượng cao như bán trú, đưa đón và trông giữ ngoài giờ theo nhu cầu của phụ huynh; tổ chức thêm hoạt động năng khiếu, nghệ thuật, thể dục thể thao, STEM...
Về quy trình, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký, sau đó thẩm định. Nếu đạt, Sở trình UBND thành phố, đề nghị công nhận trường chất lượng cao. Sau mỗi 5 năm, các trường được đánh giá lại một lần, nếu không đảm bảo sẽ bị thu hồi quyết định.
Hiệu trưởng một trường THCS chất lượng cao cho biết về cơ bản, các nhóm tiêu chí dự kiến của thành phố không thay đổi nhiều so với hiện nay. Song, bà thấy dự thảo có phần nới ở một số tiêu chí.
Chẳng hạn, quy định trước đây yêu cầu trường trung học chất lượng cao phải có 40% giáo viên giỏi cấp thành phố, còn dự thảo chỉ yêu cầu có 50% giáo viên giỏi cấp quận và có giáo viên giỏi cấp thành phố (không nêu tỷ lệ cụ thể). Bà đánh giá điều này hợp lý, vì hàng năm, mỗi trường thường chỉ có 1-2 giáo viên giỏi thành phố.
Dự thảo cũng bỏ yêu cầu trường chất lượng cao hàng năm phải tổ chức cho học sinh giao lưu với các trường trong và ngoài nước. Đây là điều khiến nhiều trường gặp khó vì khá tốn kém và khó quản lý học sinh.
Hà Nội xây dựng trường chất lượng cao, căn cứ theo Luật thủ đô. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, thành phố hiện có 23 trường chất lượng cao (7 trường mầm non, 6 trường tiểu học, 5 THCS, 2 THPT và 3 liên cấp).
Xét theo loại hình, danh sách này có sáu trường ngoài công lập (THCS& THPT Nguyễn Siêu, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Liên cấp Ngôi sao Hà Nội, Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Siêu). Trong 17 trường công lập, THPT Phan Huy Chú - Đống Đa tự chủ hoàn toàn (tự chi lương giáo viên, chi sửa chữa cơ sở vật chất...), còn lại tự chủ một phần.
Để được thi tuyển vào trường chất lượng cao, học sinh thường phải đạt kết quả tốt ở tiểu học, khoảng 9 điểm mỗi môn trở lên, thậm chí toàn 10. Sau đó, các em làm bài kiểm tra ba môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh.
Đầu tháng 10, HĐND thành phố thông qua học phí công lập chất lượng cao từ 1,8 đến 6,1 triệu đồng mỗi tháng, cao nhất ở trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa. Mức thấp nhất áp dụng với khối 10 và 11 trường Hoàng Cầu. Những trường còn lại đều thu học phí trên hai triệu đồng.
Dự thảo về quy định trường chất lượng cao của Hà Nội được lấy ý kiến tới cuối tháng 11.
Thanh Hằng