Đường dẫn vào chung cư cao tầng xe chữa cháy phải tiếp cận được

Admin

Đại biểu Quốc hội đề nghị có các quy định hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng, trong đó phải đảm bảo tối thiểu cho xe phòng cháy chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra.

Đề xuất trang bị ụ nước, dây dẫn, vòi xịt ở các chung cư

Sáng 1/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

Đề cập đến công tác PCCC ở các chung cư cao tầng, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) cho rằng, các loại cao ốc này tập trung đông dân cư sinh sống, kéo theo nguy cơ cháy , nổ cao.

Đường dẫn vào chung cư cao tầng xe chữa cháy phải tiếp cận được- Ảnh 1.

ĐBQH Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên). Ảnh: Như Ý.

Đáng lưu ý, nhiều chung cư cao tầng được xây dựng từ lâu, quá trình sử dụng gây hư hỏng, hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật, dẫn đến công tác phòng cháy không còn đảm bảo.

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị có các quy định hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng , trong đó phải đảm bảo tối thiểu cho xe PCCC, CNCH chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra.

Ngoài ra, đại biểu đoàn Hưng Yên cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định chi tiết và cụ thể hơn nữa về kỹ năng thoát nạn. Cụ thể, cần bổ sung trách nhiệm của các đối tượng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC,CNCH.

“Việc làm này nhằm để kỹ năng thoát nạn không chỉ dừng lại ở việc trang bị về lý thuyết và kiến thức mà phải trở thành một phản xạ tự nhiên của mỗi người dân khi có bất kỳ một vụ cháy, nổ xảy ra", ĐB Luyến cho hay.

Trước các vụ cháy ở các nhà trong ngõ nhỏ và các chung cư cao tầng, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, với trang thiết bị chữa cháy hiện nay thì rất khó tiếp cận để chữa cháy, cần nghiên cứu kỹ hơn về nguồn nước chữa cháy.

"Chúng ta đang chỉ tiếp cận một nguồn nước riêng biệt và từ các ao, sông, hồ để chữa cháy mà chưa tiếp cận được nguồn nước của các gia đình từ trên xuống để xử lý cho vấn đề chữa cháy linh hoạt và kịp thời", ông Thành lưu ý.

Đường dẫn vào chung cư cao tầng xe chữa cháy phải tiếp cận được- Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên). Ảnh: QH.

Về phòng cháy đối với nhà ở, đại biểu cho rằng, các nhà ở chung cư hiện nay nên bố trí một ụ nước hoặc hệ thống vòi nước, dây dẫn, vòi xịt… Việc trang bị như vậy để xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố cháy. Đồng thời, cần khai thác các nguồn nước từ các hộ gia đình đã có, bố trí thêm các vòi nước dự phòng, vòi xịt để xử lý.

Lắp đặt điện sinh hoạt phải có thiết bị tự ngắt nguồn điện

Đề cập đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) cho rằng, dự thảo chưa nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình.

Ông Thịnh đề nghị bổ sung quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong việc phòng cháy, trong trường hợp để xảy ra cháy tại cơ quan, tổ chức, gia đình mình.

Tương tự về phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện, theo đại biểu, dự thảo luật chưa nêu rõ hệ thống thiết bị an toàn trong việc sử dụng điện cho sinh hoạt cũng như sản xuất, kinh doanh, mới chỉ nêu chung chung các điều kiện an toàn phòng cháy.

"Cần nêu rõ hơn trong mỗi thiết bị sử dụng điện phải có hệ thống cầu chì, để khi xảy ra cháy, cầu chì sẽ tự ngắt nguồn điện, không gây cháy các phương tiện, thiết bị khác", đại biểu Thịnh cho hay.

Trên cơ sở đó, ông đề nghị bổ sung vào Điều 23 một khoản, với nội dung: Khi lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, phải có thiết bị bảo đảm tự ngắt nguồn điện.