Elon Musk cảnh báo Mỹ sắp vỡ nợ: Tổng nợ công đạt 36 nghìn tỷ USD năm 2024, mỗi 100 ngày tăng thêm 1 nghìn tỷ USD

Admin

"Điều này phải ngừng lại", Elon Musk nói về việc chính phủ Mỹ chi tiêu công quá nhiều gây thâm hụt ngân sách.

"Chính phủ Mỹ chi tiêu quá nhiều đang đẩy đất nước đến bờ vực vỡ nợ...Chính phủ đang mất kiểm soát", Elon Musk đăng tải trên Twitter-X, trích dẫn một bài đăng khác tiết lộ nợ công Mỹ đã tăng thêm 500 tỷ USD chỉ trong 3 tuần qua.

Tại sự kiện ở bang Pennsylvania ủng hộ Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông chủ Tesla cũng cảnh báo lạm phát có thể mất kiểm soát một lần nữa do chi tiêu "điên rồ" của chính phủ.

"Chính phủ đang chi tiêu nhiều đến mức có thể khiến nước Mỹ phá sản...và đó thực sự là nguyên nhân dẫn đến lạm phát khi chính phủ chi tiêu nhiều hơn thu nhập", Elon Musk nói.

Theo ông chủ Tesla, chính phủ Mỹ cần cắt giảm mạnh chi tiêu công để không tích lũy thêm nợ khó trả và tránh được cảnh đẩy nền kinh tế số 1 thế giới đến bờ vực phá sản. Đích thân Elon Musk đã đăng tải lên Twitter-X rằng: "Điều này phải ngừng lại", ám chỉ tiền thuế của người dân đang bị "lãng phí một cách chóng mặt".

Elon Musk cảnh báo Mỹ sắp vỡ nợ: Tổng nợ công đạt 36 nghìn tỷ USD năm 2024, mỗi 100 ngày tăng thêm 1 nghìn tỷ USD- Ảnh 1.

Tờ Forbes cho hay nợ công của Mỹ đã tăng vọt trong những năm gần đây khi vượt ngưỡng 34 nghìn tỷ USD đầu năm 2024. Nguyên nhân chính là các gói hỗ trợ trong đại dịch Covid-19 cũng như những biện pháp kích thích kinh tế hậu đại dịch khiến lạm phát tăng vọt và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt.

Tiếp theo đó, những gói kích thích kinh tế chạy đua công nghệ cùng nhiều chương trình khác càng làm gánh nặng nợ công của Mỹ đi lên. Báo cáo của Bank of America cảnh báo cứ sau 100 ngày thì Mỹ lại có thêm 1 nghìn tỷ nợ công và con số này có thể đạt 36 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2024.

Phân tích của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho thấy các khoản thanh toán lãi nợ của Mỹ dự kiến sẽ đạt 870 tỷ USD trong năm nay sau khi lạm phát phi mã khiến FED phải tăng lãi suất với tốc độ chưa từng thấy.

Tháng trước, FED đã phải bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất với mức giảm 50 điểm cơ bản khiến toàn thị trường bất ngờ.

*Nguồn: Forbes